Dân Việt

Agribank: Mở lối làm giàu cho nông dân

Chúc Ly 09/12/2015 15:02 GMT+7
Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính Phủ (gọi tắt là NĐ41) đã góp phấn thay đổi đáng kế diện mạo nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của nông dân.

Mới đây, đoàn công tác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Việt Nam) đã có chuyến công tác ghi nhận kết quả cho vay theo NĐ41 và triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 55) tại hai tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp.

Trợ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chi nhánh Agribank huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một đơn vị có dư nợ cao nhất tỉnh, đạt 1.345 tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp đạt gần 738,3 tỷ đồng, (chiếm tỷ trọng khoảng 69,4%).

img

Cán bộ Agribank tham quan mô hình nuôi cá sặc rằn của ông Mai Thanh Hùng.

Anh Nguyễn Văn Đồng ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Với 2,2ha quýt hồng của gia đình, tôi cũng cần một số vốn lớn để đầu tư, cho nên đã vay 1,2 tỷ đồng từ Agribank. Hiện nay với khoảng 1,5ha đang cho trái, tôi xử lý trái vụ, đến tháng 2 năm sau có thể xuất bán ước tính giá khoảng 32.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì có thể thu lãi đạt khoảng 1,2 tỷ đồng”.

“Nhờ đồng vốn vay kịp thời từ Agribank với số vốn 2,9 tỷ đồng gia đình tôi ổn định đầu tư lâu dài và có kế hoạch sản xuất cụ thể. Với 23.000m2 diện tích mặt nước của 2 ao cá sặc rằn, với gián bán ra khoảng 62.000 đồng/kg, lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm. Chi phí thức ăn chiếm khoảng 90% tổng chi phí nuôi, chính vì vậy khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn là điệu kiện thuận lợi cho nông dân” – ông Mai Thanh Hùng ngụ phường 3, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Ông Hồ Văn Út – Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri thôn tin thêm: “Từ năm 2010 khi triển khai NĐ41, rồi bây giờ đến NĐ55 thì hướng cho vay mang tính mở rộng hơn, nguồn vốn người dân tiếp cận dễ dàng và nhiều hơn, thuận lợi cho việc đầu tư vào sản xuất. Thái độ phục vụ của cán bộ tín dụng Agribank cũng rất nhiệt tình, bên cạnh đó công tác thẩm định cho vay cũng được thực hiện rất kỹ, chủ động và có trách nhiệm”.

Theo Chi nhánh Agribank tỉnh Bến Tre, đơn vị thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, huyện triển khai thực hiện các nghị định liên tịch và thỏa thuận liên ngành để phát triển việc học vay vốn thông qua tổ liên kết sản xuất và vay vốn. Qua 5 năm đã cho vay 63 tỷ đồng, đến ngày 31.10.2015 dư nợ cho vay tổ gần 28,6 tỷ đồng (với 737 thành viên, 134 tổ) nhằm góp phần thực hiện tốt hoạt động cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

img

Nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời tư Agribank, anh Đồng mạnh dạn đầu tư vào vườn quýt hồng 2,2 ha.

Triển khai NĐ 55 còn nhiều vướng mắc

NĐ55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.7.2015, được áp dụng thay thế NĐ41, với những điểm mới tích cực hơn, mở ra nhiều thuận lợi hơn cho người vay vốn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Ton – Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh Bến Tre, nêu khó khăn: “Khi triển khai xuống các địa phương về việc cho vay tín chấp, trong NĐ55 quy định người vay không có đảm bảo phải giao sổ đỏ cho tổ chức tín dụng giữ, để hộ vay không được vay ở một tổ chức tín dụng khác, nhưng người dân và chính quyền địa phương lại hiểu giữ sổ đỏ có nghĩa là thế chấp”.

Cũng theo ông Ton, căn cứ quy định của NĐ 55, tại tỉnh Bến tre, tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 95%/tổng dư nợ cho vay, lãi suất cho vay thấp nhất. Trong khi đó nguồn vốn để cho vay chủ yếu là nguồn vốn chi nhánh huy động tại địa phương lãi suất cao, chưa có nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước để thực hiện cho vay lĩnh vực này.

Còn theo Chi nhánh Agribank huyện Ba Tri, theo quy định của NĐ55, người vay không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tại sản nhưng trên thực tế đến nay vẫn còn một số UBND  xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn thực hiện thu lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản. Vì vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn đối với khách hàng theo tinh thần Nghị định đã ban hành.

Tại Chi nhánh Agribank tỉnh Đồng Tháp, đến nay việc cho vay theo NĐ55 ở dạng không thế chấp chỉ mới đạt khoảng 20 tỷ đồng vì đối tượng đảm bảo điều kiện cho vay không có tài sản đảm bảo còn ít. “Đối với các hợp tác xã thì vốn điều lệ rất ít, trình độ quản lý còn thấp nên dẫn đến hạn chế cho Ngân hàng đầu tư vốn” – ông Châu Văn Út – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm.

Ngoài ra, việc cho vay không có thế chấp bằng tài sản đối với khách hàng là hợp tác xã, chủ trang trại rất khó thực hiện vì vốn tự có của hợp tác xã khó xác định do hạch toán kế toán tại các đơn vị này chỉ là hình thức, năng lực quản lý hạn chế, thiếu các dự án hiệu quả, khả thi.

Sau 5 năm triển khai thực hiện cho vay theo NĐ41, Chi nhánh Agribank tỉnh Bến Tre đã cho vay 34.901 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, (chiếm 80,5%/tổng cho vay). Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến ngày 31.10.2015 là 7.217 tỷ đồng, (chiếm tỷ lệ 91,7%/tổng dư nợ).

Còn tại Chi nhánh Agribank tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 31.10.2015 tổng doanh số cho vay đạt 13.875 tỷ đồng. Tổng dư nợ là 8.347 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 7.685 tỷ đồng, (chiếm 92%/tổng dư nợ).