Dân Việt

Dàn chiến hạm "khủng", hiện đại bậc nhất thế giới

Phương Đăng 15/12/2015 02:00 GMT+7
Khu trục hạm lớn nhất của Mỹ USS Zumwalt vừa được hạ thủy hôm 7.12, là một trong số chiến hạm “khủng” và hiện đại bậc nhất thế giới trong chùm ảnh của hãng tin Telegraph (Anh) dưới đây.

 img

Khu trục hạm USS Zumwalt của Mỹ: Có chiều dài 186 m, nặng 15.000 tấn, giá 4,4 tỉ USD đang chạy thử trên biển Đại Tây Dương trước khi được biên chế chính thức vào hạm đội Mỹ năm 2016. Điểm vượt trội nhất của USS Zumwalt là khả năng tàng hình bằng cách “đánh lừa” radar để hiển thị như một tàu loại nhỏ, có kích thước chỉ bằng tàu cá. Ngoài ra, hệ thống tên lửa dẫn đường được trang bị cho USS Zumwalt có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách 101 km. Quân đội Mỹ đang có kế hoạch trang bị súng điện từ và vũ khí laser.

img

Khu trục hạm lớp Izumo của Nhật: Được hạ thủy ngày 27.8.2015, dự kiến chính thức hoạt động trong lực lượng hải quân Nhật Bản vào tháng 3.2017. Đây là chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ thứ 2. Mặc dù được xếp vào loại tàu khu trục, song Izumo có tính năng tương đương các tàu sân bay trực thăng mặt boong phẳng của phương Tây, có chiều dài 248m, rộng 38m, lượng giãn nước lên tới 24.000 tấn – lớn hơn cả tàu Mistral của Pháp. Tàu đòi hỏi thủy thủ đoàn 470 người và chuyên chở thêm được 500 lính thủy đánh bộ, 14 trực thăng. Ngoài ra, Izumo được thiết kế để có thể cho phép 5 máy bay đồng loạt cất, hạ cánh trên boong.

img

Tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ: Đây là một trong những chiến hạm hạt nhân lớn nhất thế giới bắt đầu hoạt động từ năm 1975. Có tuổi thọ 50 năm, chiến hạm này dài 332,8 m, sàn đáp máy bay rộng 76,8 m, tốc độ khoảng 56 km/h và có thể chở tối đa 5.000 người, từ 85 đến 90 máy bay ném bom/máy bay chiến đấu cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa...

img

Tàu sân bay USS Gerald R.Ford của Mỹ: Được đặt theo tên của vị Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ, siêu tàu sân bay USS Gerald R.Ford (CVN-78) hạ thủy năm 2013 có lượng giãn nước lên tới 112.000 tấn – lớn hơn một chút so với tàu sân bay Nimitz. Với chiều dài 337 m, chở được hơn 75 máy bay với hệ thống máy phóng điện từ thế hệ mới, thủy thủ đoàn 4.600 người và có chi phí sản xuất lên đến 12,8 tỷ USD, USS Gerald R.Ford trở thành tàu sân bay lớn nhất thế giới hiện nay. Dự kiến, tàu này sẽ được chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2016.

img

Tàu sân bay Đô đốc lớp Kuznetsov của Nga: "Quái vật" này ban đầu được đưa vào hoạt động năm 1990 như là soái hạm của Hải quân Liên Xô và đã được tân trang lại. Nó là hàng không mẫu hạm duy nhất còn hoạt động của Nga hiện nay có tốc độ 54 km/h, trọng tải 55.000 tấn và chở được 2.356 người. Không như các tàu sân bay khác của phương Tây vốn luôn cần một đội tàu hộ tống, Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác với hệ thống vũ khí riêng bao gồm 52 máy bay, 60 rocket, 192 tên lửa. 

img

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc: Được biên chế cho Hải quân Trung Quốc năm 2012, tàu dài 305m, trọng tải 66.000 tấn, tốc độ 59 km/h, có khả năng mang theo 30 máy bay, 24 trực thăng, 60 rocket và 192 tên lửa. Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc tân trang lại từ “người anh em sinh đôi” chưa hoàn thiện của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được gọi là Varyag. Sau khi tân trang, Liêu Ninh mất toàn bộ vũ khí tấn công hạng nặng của tàu sân bay hạng nặng Kuznetsov. Hiện giờ, Liêu Ninh chỉ được trang bị vũ khí phòng thủ tầm ngắn.

 img

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ: Vốn thuộc về Liên Xô với tên cũ là Đô đốc Gorshkov nhưng bị bán lại cho Ấn Độ với giá 2,2 tỷ USD năm 2004. Sau đó, Ấn Độ thuê Nga nâng cấp cải tạo con tàu và đến tháng 10 năm nay mới chính thức đi vào hoạt động. INS Vikramaditya dài 283m, rộng 51m, lượng giãn nước 45.400 tấn. Với kích thước này, INS Vikramaditya là tàu sân bay lớn thứ 2 châu Á, sau tàu Liêu Ninh của Trung Quốc. Nó có khả năng chở 16 máy bay các loại và 10 trực thăng.

img

Tàu sân bay năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp: Với chiều dài tổng thể 261,5m, rộng 64,36m, chở 40 máy bay các loại, lượng giãn nước lên tới 42.000 tấn, tốc độ tối đa 50km/h, và thủy thủ đoàn 1.950 người, Charles de Gaulle được mệnh danh là chiến hạm lớn nhất ở Tây Âu và là tàu sân bay hạt nhân lớn thứ 2 thế giới hiện nay. Charles de Gaulle được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân K15 công suất 30MW cung cấp năng lượng cho con tàu hoạt động liên tục 20-25 năm. Nó từng được điều động tham chiến ở Afghanistan năm 2001 cũng như Libya năm 2011 và hiện đang được triển khai trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

 img

Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Mỹ: Bản chất là bãi đáp trực thăng nổi khổng lồ, Wasp có thể chở theo 30 máy bay trong đó bao gồm 24 trực thăng các loại. Boong tàu có 9 điểm cho trực thăng cất - hạ cánh cùng lúc. Tàu dài 253m, chở được 1.208 thủy thủ và 1.894 thủy quân lục chiến. Wasp cũng có thể hoạt động với vai trò là tàu sân bay hạng nhẹ.

  img

Khu trục hạm lớp Sejong của Hàn Quốc: Đây là chiến hạm mang nhiều tên lửa nhất thế giới. Hệ thống vũ khí trên tàu gồm: 16 tên lửa chống tàu, 32 tên lửa hành trình, 6 ngư lôi và 128 ống phóng thẳng đứng. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng chống ngầm SH-60 Sea Hawk.  Sejong có chiều dài 165,9 mét, rộng 21,4 mét, lượng giãn nước toàn tải 11.000 tấn và thủy thủ đoàn 400 người.