Dân Việt

Thượng nghị sĩ Mỹ cứu cá da trơn Việt Nam

Đức Hoàng (tổng hợp) 11/12/2015 06:20 GMT+7
Các thượng nghị sĩ Mỹ đã bảo trợ một nghị quyết bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành có nguy cơ gây tác động tiêu cực tới xuất khẩu cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ.

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte đồng bảo trợ đề nghị Quốc hội Mỹ hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn mà hai nhà lập pháp mô tả là sự lãng phí cực lớn tiền thuế của người dân Mỹ và một ví dụ điển hình của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

img

 Các nghị sĩ Mỹ cho rằng chương trình giám sát cá da trơn chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một số người nuôi cá da trơn tại các bang phía Nam nước Mỹ. Ảnh: NYT

Trước đó, Cục Giám sát an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) đã chính thức thông báo việc này trên mạng điện tử của Bộ cho biết, chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cả cá da trơn và cá tra của Việt Nam. Quy định cuối cùng này được triển khai theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014 và sẽ áp dụng đối với tất cả các loài cá thuộc họ Siluriformes (theo định nghĩa rộng về cá da trơn có bao gồm cá tra/basa của Việt Nam) nuôi trồng nội địa và nhập khẩu. Quy định này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 3.2016 - 90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang (ngày 2.12).

Ngay sau khi nhận được thông báo về quyết định này của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã họp với các luật sư và nhà tư vấn, và thống nhất nhận định rằng, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ  thông báo về quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn vào ngày 25.11 ngay trước ngày nghỉ Lễ Tạ ơn là hành động cố tình để tránh các phản ứng tức thời của các nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam và Mỹ đều đã rất nỗ lực để kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm xúc tiến mạnh hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong quá trình đàm phán, hai nước đã có thư trao đổi trong đó phía Mỹ cam kết “sẽ thực hiện Quy định cuối cùng về cá da trơn không trái với nghĩa vụ trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Mỹ”, nhưng thực chất, việc ra quyết định này của Bộ Nông nghiệp Mỹ là hoàn toàn trái với các nguyên tắc của WTO và vì vậy đi ngược lại tinh thần của Thư trao đổi giữa hai nước trong các văn kiện của TPP.

Đặc biệt, theo thông lệ, để xem xét cấp “Tiêu chuẩn tương đồng” cho các nước được phép xuất khẩu mặt hàng thịt, thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ trung bình phải mất ít nhất 8 năm xem xét. Vì vậy, việc chỉ cho Thời gian chuyển đổi 18 tháng là quá ngắn, nhất là xét trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp Mỹ chưa hề có kinh nghiệm gì trong việc xét cấp “Tiêu chuẩn tương đồng” cho mặt hàng cá.

Có cùng quan điểm với phía Việt Nam, hai Thượng nghĩ sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte cho rằng, mục đích thực sự của chương trình giám sát cá da trơn là dựng lên rào cản thương mại đối với các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài nhằm phục vụ lợi ích của một số người nuôi cá da trơn tại các bang phía Nam nước Mỹ.

Hai Thượng nghị sĩ cũng nhận định, một trong những nội dung quan trọng nhất của quy định này là Mỹ sẽ áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra và basa của tất các nước xuất khẩu vào Mỹ theo tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng. Do thời gian áp dụng quy định mới khá gấp trong khi hệ thống quản lý sản xuất và chế biến của Việt Nam và Mỹ đang có nhiều sự khác biệt nên việc xuất khẩu hai mặt hàng cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ sẽ gặp trở ngại lớn nếu chương trình giám sát cá da trơn không bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.  

 Theo luật Mỹ, Quốc hội có quyền phủ quyết quy định của cơ quan chính phủ liên bang sau khi quy định này được chính thức công bố và đệ trình lên cơ quan lập pháp tối cao. Nếu trở thành luật, nghị quyết của Thượng nghị sĩ John McCain và Kelly Ayotte sẽ vô hiệu hóa chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kể cả những quy định đã được đưa vào thực hiện.