Trang tin nội bộ của FPT cho biết, các mô hình trên sẽ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong ngành thực phẩm và nông nghiệp, nằm trong hệ thống giải pháp xã hội thông minh của Fujitsu - dự án hợp tác nông nghiệp thông minh đã được Fujitsu và FPT giới thiệu vào cuối năm 2014.
Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu, có diện tích 403 m2, gồm nhà kính, nhà máy rau và khu trưng bày - Ảnh: FPT.
Với sự hợp tác trên, FPT phối hợp với Fujitsu trong việc triển khai thử nghiệm công nghệ nông nghiệp thông minh và tiến tới chuyển giao công nghệ này tại Việt Nam.
Theo FPT, trung tâm hợp tác có diện tích hơn 400 m2, đặt tại Gia Lâm, Hà Nội, không chỉ giới thiệu mô hình kinh doanh mới của Fujitsu, mà còn là nơi ứng dụng kỹ thuật, kiến thức và bí quyết cho lĩnh vực nông nghiệp mà Fujitsu đã đúc rút được.
Hai mô hình “nhà kính” và “nhà máy rau” sẽ được vận hành để trồng thử nghiệm những loại rau có giá trị gia tăng cao, như cà chua, xà lách...
Với mô hình “nhà kính”, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió…) tại thời gian thực, từ đó tự động điều khiển mành che, cửa sổ, quạt… cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm cà chua cỡ vừa, có hàm lượng dinh dưỡng và độ ngọt tự nhiên.
Trong khi đó, “nhà máy rau” là mô hình nhà máy trồng trọt hoàn toàn khép kín đang được ứng dụng tại Nhật Bản.
Tại đây, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường như nhiệt độ (bao gồm cả nhiệt độ trong nhà kính), độ ẩm, CO2, nhiệt độ của dung dịch dinh dưỡng, tốc độ truyền điện… từ đó có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của cây xà lách ít kali.
Sau giai đoạn vận hành thử nghiệm, FPT và Fujitsu sẽ chính thức khai trương trung tâm, dự kiến vào ngày 24.2.2016.
Theo FPT, với các mô hình trên, những thông tin, hình ảnh về môi trường và khu vực trồng trọt được theo dõi và quản lý không chỉ tại Việt Nam, mà ngay tại Nhật Bản cũng có thể theo dõi và đưa ra hướng dẫn trồng trọt từ xa.