Dân Việt

Nhớ mùa me “dốt dốt”

Bài, ảnh: Hoàng Lê 12/12/2015 15:30 GMT+7
Tầm tháng Giêng, tháng Hai trái me mới chín rộ. Nhưng đến độ cuối năm thì me đã già rồi, có trái da nhẵn bóng, bọn “con nít” chúng tôi gọi là mùa me “dốt dốt”.

Ngày ấy, ở đầu làng tôi có một cây me cổ thụ, thân cây khổng lồ hai người ôm không hết, tán cây vươn cao rợp bóng mát. Đó là nơi tụ hội của bọn trẻ chúng tôi để hóng gió, để trèo lên cây hái trái me chua ăn. Chúng tôi thường gọi là mùa me “dốt dốt”.

Tầm tháng 11 âm lịch là đã bắt đầu có me “dốt dốt”. Độ này chúng tôi lại tranh nhau leo lên cành thật cao để hái cho được trái me này, vui đùa những trò chơi dân gian thú vị. Chúng tôi gọi tán me là “khu vườn cổ tích” vì ở nơi đó chúng tôi tập tành, sắm vai theo những câu chuyện ngày xưa.

Mùa me “dốt dốt” tới là khi trái me đã qua giai đoạn non tơ, cũng chưa chín nhưng quả bắt đầu già. Khi dùng móng tay cào nhẹ lên da mà thấy bóc ra, cơm me vàng ươm bắt mắt.

img

Tầm tháng 11 Âm lịch là có me “dốt dốt” rộ.

Khác với vị chua đậm của me non, thịt me “dốt dốt” có bột, mùi vị bùi bùi, ăn vào cảm nhận được cái vị chua chua, ngọt ngọt thật đặc trưng. Ngày ấy, chúng tôi mê tít loại me này, những khi rảnh rỗi lại trèo lên cây me để “chộp” nó xuống. Lâu ngày, trái me “dốt dốt”chỉ còn lại ở những cành xa xa, muốn có me phải dùng cây dài để hái.

Tầm tháng Giêng là mùa me chín rộ, chúng tôi lại đến dưới gốc me để nhặt me chín rụng vào buổi sáng sớm. Nhặt hết me chín xong, lũ bạn tôi lại trèo lên cây để tìm me. Âm thanh rào rào của từng nắm me được đám bạn tôi thả từ trên cây xuống nghe rộn rã, tưng bừng.

img

Me “dốt dốt” chấm muối ớt là ngon nhất.

Khác với các loại trái cây khác, trái me ngon nhất là lúc đầu mùa, khi nó vừa chín tới, càng về sau thì sự thèm thuồng dần mất đi. Cũng vì vậy mà khi toàn bộ me trên cây đã chín thì bọn trẻ con chúng tôi cũng thưa dần, không còn tụ tập đông đúc như trước nữa.

Tôi nhớ về mùa me “dốt dốt” năm ấy, chúng tôi hái me, cột lại thành xâu mang đi bán ở quanh trường để lấy tiền mua quà bánh. Rồi khi mùa me hết, me chín thì được người lớn chú ý nhiều hơn nên chúng tôi không còn “thu lợi” từ cây me đầu làng ấy nữa.

Năm tháng qua đi, cây me làng tôi vẫn còn đứng đấy, nguyên vẹn dáng hình, lá vẫn xanh rì rào đón từng cơn gió thổi. Lần trở lại làng sau nhiều năm xa cách, tôi thấy cây me vẫn cho nhiều trái, ở trên những cành cao có những trái me sẫm màu, da bóng loáng, tôi biết mùa me “dốt dốt” đến và sắp hết một năm rồi.