Dân Việt

11 cái gạch đầu dòng thành "gia đình văn hóa"

Đức Hoàng 12/12/2015 06:30 GMT+7
Nếu có tới 19 triệu gia đình văn hóa thì những chuyện đánh nhau, giết người... ở đâu ra?

Đang có tới 19 triệu trong tổng số 22 triệu gia đình đạt chuẩn "Gia đình văn hóa". Và người ta vẫn tự hỏi rằng thế cuối cùng thì các vấn đề xã hội mình đọc trên báo hàng ngày, từ đánh giết người đến thực phẩm bẩn... ở đâu mà ra nếu phần lớn dân ta là thành viên của một "Gia đình văn hóa".

Để trả lời được câu hỏi này, cần phải đi tìm hiểu xem cuối cùng "Gia đình văn hóa" là cái gì?

"Gia đình văn hóa" từng là một danh hiệu phong trào của nhiều địa phương từ vài thập kỷ trước. Đến năm 2002, nó được chính thức hóa bằng 11 tiêu chí bởi Bộ Văn hóa-Thông tin. 11 tiêu chí này vẫn đứng vững cho đến hôm nay.

Mặc dù có đến 85% số hộ gia đình trên cả nước được công nhận là gia đình văn hóa, nhưng có lẽ 11 tiêu chí này không phải ai cũng biết. Kể ra thì dài, nhưng chúng bao gồm 3 nhóm: 1. Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; 2. Thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân; 3. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Tức là "văn hóa" ở trong cụm từ "Gia đình văn hóa" không phải là cái văn hóa theo nghĩa rộng; mà là một cái "văn-hóa-11-tiêu-chí", một thứ văn hóa tương đối hẹp, một thứ văn hóa được quy định bởi luật.

Giống như hoa hậu cũng có những cô là hoa hậu hoàn vũ, hoa hậu thế giới, có cô lại là hoa hậu ảnh của tờ báo địa phương, thì "văn hóa" cũng được định nghĩa bằng nhiều loại tiêu chí khác nhau. Hoa hậu không nhất thiết phải có 3 vòng chuẩn và biết thi ứng xử.

Với bộ 11 tiêu chí đơn giản, với ví dụ như là "thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua" (ở đây có thể kể đến đóng tiền ủng hộ đồng bào bão lũ, khuyến học và các thứ tương tự?) hoặc "không vi phạm pháp luật của nhà nước"; hay là các tiêu chí rất định tính như là trẻ em "chăm ngoan, hiếu học", "vợ chồng yêu thương giúp đỡ nhau tiến bộ" và "ông bà, cha mẹ gương mẫu"; thì không có gì là quá bất ngờ nếu như phần lớn các gia đình Việt Nam đạt được tiêu chí này.

Bởi vì rốt cục thì rất khó xác định xem vợ chồng nhà nọ có yêu thương nhau hay không, giúp nhau tiến bộ hay là kéo nhau xuống, bố mẹ gương mẫu tức là như thế nào; nên cuối cùng, chỉ cần tuân thủ đúng các phong trào địa phương và không vi phạm pháp luật, không lấn chiếm vỉa hè ngõ phố để kiếm thêm buổi tối gây bất bình cho làng xóm là người ta đã có thể có biển "Gia đình văn hóa".

Nhưng câu hỏi tiếp theo lại phát sinh: Thế thì tấm biển "Gia đình văn hóa" có ý nghĩa gì?

Nó tất nhiên không phản ánh văn hóa xã hội. Bởi vì cho đến lúc cơ quan thanh tra ập vào bắt quả tang một nhà đang sản xuất thực phẩm bẩn bán cho đồng bào hay là vợ chồng nhà nọ lôi nhau ra giữa ngõ hành hung đối phương và bị khởi tố, thì ai cũng có quyền treo cái biển "Gia đình văn hóa".

Trên bàn làm việc của tôi, có một cái áp phích tuyên truyền "Gia đình văn hóa" từ thập kỷ trước. Tranh vẽ rất đẹp. Ở dưới có dòng chữ "Trai tài, gái đảm, hạnh phúc ấm êm". Tôi mua áp phích cũ ấy ở trên đường Đồng Khởi với giá 120 nghìn đồng. Gia đình tôi chưa được công nhận là gia đình văn hóa, nhưng tôi thích ý niệm về một gia đình như thế, trai tài gái đảm hạnh phúc ấm êm. Và đã cố gắng xây dựng nó.

img

Thật ra thì bất kỳ ai cũng có thể mua một tấm áp phích như thế, giá chỉ 120 nghìn đồng, đẹp hơn rất nhiều so với tấm biển màu xanh chữ trắng của chính quyền cấp, để tự đặt trong nhà và đề ra các tiêu chí riêng của bản thân trong việc xây dựng một "Gia đình văn hóa".

Mỗi người đều có thể có bộ tiêu chí bao gồm 12, thậm chí 20 gạch đầu dòng, chi tiết hơn bộ tiêu chí 11 gạch đầu dòng kia, hoặc thậm chí là liên tục bổ sung vào các tiêu chí mới. Ví dụ như nhỡ may một ngày vợ chồng không "thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ" như quy định của thông tư 12/2011 nữa thì cư xử như thế nào để vun đắp lại.

Còn tấm biển "Gia đình văn hóa" kia, thật ra cũng không nên bận tâm nhiều về nó. 19 triệu gia đình văn hóa thoạt nhiên tưởng là nhiều, nhưng nghĩ kỹ lại thật ra quá ảo và quá thiếu tính đại diện khi mà "văn hóa" ở đây chỉ là 11 cái gạch đầu dòng chung chung.