Dân Việt

Thành lập cộng đồng ASEAN: Doanh nghiệp Việt chịu sức ép lớn

Hằng Phạm 13/12/2015 06:00 GMT+7
Nếu không kịp thời xây dựng các chương trình cụ thể để nâng cao kiến thức và khả năng sản xuất kinh doanh, khi Cộng đồng ASEAN thành lập vào cuối năm nay, một số doanh nghiệp có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.

Đó là nhận định tại Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 11.12.

Củng cố 3 trụ cột

img

    Sản xuất đèn LED tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.  Ảnh: I.T

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, khi ASEAN bắt đầu triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), Việt Nam đã kịp thời xây dựng “Đề án về Phương hướng và Biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015” và chương trình hành động của Chính phủ để triển khai đề án kể trên. Ngoài ra, trong chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang chuẩn bị được phê duyệt, các định hướng về xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các kế hoạch triển khai tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2025 cũng là những nội dung được ưu tiên cao. Tính đến nay, Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác trong ASEAN hoàn thành trên 90% các dòng hành động của cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Phân tích cụ thể 3 trụ cột, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: “Về chính trị, an ninh, Việt Nam có cơ hội củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi các nước ASEAN chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh với nhau. Về kinh tế, Việt Nam có cơ hội mở rộng được thị trường hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối ở khu vực và toàn cầu.

Về văn hóa-xã hội, Việt Nam có cơ hội thực hiện các chuẩn mực cao hơn về văn hóa xã hội, các tiêu chí về bảo vệ quyền con người, chia sẻ và làm giàu bản sắc văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam. Việc hiện thực hóa được các cơ hội ấy sẽ đóng góp thiết thực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời tạo nên tác động rất lớn tới quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Tích cực, chủ động tìm hiểu và hành động

Cộng đồng ASEAN hướng tới 5 mục tiêu lớn: Nền kinh tế thống nhất và liên kết cao; nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh; kết nối nền kinh tế và liên kết theo ngành; tự cường, dung nạp và chú trọng tới người dân; gắn kết vào kinh tế toàn cầu chủ yếu thông qua các hiệp định thương mại tự do. 

Thời điểm Cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN; từ đầu tư của các nước ASEAN…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Trên thực tế, từ năm 2009, chúng ta đã bắt đầu đàm phán về các quy định nhằm hình thành cộng đồng. Tới cuối tháng 12, 100% các thỏa thuận sẽ được thực hiện, hoàn tất việc hình thành cộng đồng. Chúng ta đã ở trong Cộng đồng ASEAN. Một số doanh nghiệp có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa".

Ngoài ra, so với một số nước ASEAN, Việt Nam còn chậm hơn cả về nhận thức và hành động cụ thể. Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, sinh viên và người dân Việt Nam nói chung còn thấp hơn các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Trước những thách thức như vậy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, không còn nhiều thời gian để Việt Nam nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân về Cộng đồng ASEAN. “Đây là thời điểm để Việt Nam xây dựng và hoàn chỉnh chương trình hành động cụ thể để biến Cộng đồng ASEAN thành hiện thực ở Việt Nam với tinh thần tích cực, chủ động nhất” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.