Suối Yến là một trong những con suối đặc biệt, từ lâu nó đã trở thành con đường thủy quen thuộc và duy nhất bằng thuyền chèo tay, hoặc xuồng máy để phục vụ du khách thăm quan, lễ Phật tại Chùa Hương. Suối Yến dài hơn 4km bắt nguồn từ đồng Lỗ Rừng Vài qua vùng đồng lầy chảy vào làng Yừn Vĩ. Qua làng Yến Vĩ, làng Hội Xá, Đục Khê rồi chảy ra sông Đáy. Đoạn chảy qua đồng lầy hai bên là núi đá tạo nên những vụng núi chỗ rộng chỗ hẹp thành cánh đồng, dân địa phương khai khẩn để cấy lúa chiêm, đắp ụ trồng dâu, trồng khoai... Và mùa này, con suối Yến hiền hòa như thơ mộng hơn bởi những bông hoa súng đẹp lung linh soi bóng nước.
Núi hai bên suối được người xưa đặt tên theo hình tượng như: Núi Con Rồng, đầu núi là ngôi đền, hành khách trẩy hội Chùa Hương lên lễ trình nên thường gọi đền Trình, như tự cho mình đã bắt đầu đi vào cảnh phật. Đối diện với đền Trình là núi Đụn, trên đỉnh núi có một khoảng rộng chừng 100m2 được san, kê phẳng, có nhiều mảnh bát, mảnh chum vại...
Hoa súng đẹp lung linh trên suối Yến.
Các cụ làng Yến Vĩ lưu truyền câu chuyện “Giặc Cô Đỏ”. Chuyện kể rằng: Khi phong trào chống Pháp của ông Tán Thuật (tức Nguyễn Thiện Thuật) ở Bãi Sậy (Hưng Yên) bị đàn áp tan rã, có một đơn vị nghĩa quân lui về vùng núi Hương Sơn lập căn cứ ở thung chùa Tuyết Sơn. Một bộ phận nhỏ do một người nữ chỉ huy lên đóng ở đỉnh núi Đụn làm vọng gác tiền tiêu. Cô mặc yếm đỏ bị bao vây, cả toán quân tuẫn tiết không chịu đầu hàng giặc. Vì vậy triều đình nhà Nguyễn gọi là “Giặc Cô Đỏ”.
Thuyền đưa khách qua núi Soi, núi ái (còn có tên là núi Con Rùa), núi Ông Sư, Bà Vãi, qua đoạn suối vòng núi chùa Đống Lúa, Hang Trâu (còn gọi là hang Luồn). Nơi đây tháng 3 năm Canh Dần (1770) Chúa Trịnh Sâm trẩy hội Chùa Hương đã đề khắc lên đá cửa hang bốn chữ “Sơn thuỷ hữu tình”, từ đó thành tên hang.
Mùa trẩy Hội Chùa Hương, kéo dài từ tháng Chạp đến tháng Ba năm sau. Đây là thời điểm suối Yến đẹp nhất, bởi có làn nước trong xanh và là mùa hoa súng nở rộ, nên ngoài việc ngắm sông, súi “Sơn thủy hữu tình”, du khách còn được ngắm những bông hoa súng đẹp lung linh trên mặt nước, loài hoa đặc biệt của vùng đầm lầy này.
Với sự cổ kính, linh thiêng và cảnh quan “Sơn thủy hữu tình”, lãng mạn, nên thơ, nhờ đó khiến hàng năm suối Yến, Chùa Hương đã đón nhận hàng triệu lượt du khách thập phương về trẩy Hội.
Dưới đây là những hình ảnh do PV Dân Việt ghi lại.
Suối Yến nhìn từ Đền Trình hướng về chùa Thiên Trù, một khung cảnh “Sơn thủy hữu tình” đã làm say đắm biết bao du khách thập phương.
Hoa súng thường mở vào buổi sáng tinh mơ. Khi có ánh nắng mặt trời, những cánh hoa sẽ mở bung xòe.
Dọc hai bên bờ suối Yến dài khoảng 4km, đều được tô điểm bởi những bông hoa súng đẹp lung linh trên mặt nước, như những vì sao đỏ vậy.
Hai bên bờ suống Yến được bao bọc bởi những dãi núi đá vôi, có những mỏm đá nhô cả ra mặt suối và dưới nước là những bông hoa súng trông rất lãng mạn.
Ngoài hoa súng, còn có cả những bông hoa sen trái mùa càng làm đẹp thêm vẻ đẹp của suối Yến.
Cũng giống như hoa sen, hoa súng cũng mọc từ dưới bùn lên, song cánh hoa rất tươi tắn, trong sáng và đặc biệt có mùi thơm rất dễ chịu. Đúng là: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Hoa súng cặp, “Một nụ - một hoa” thế này người ta còn gọi là “Hoa súng tình nhân”. Chẳng biết thực hư thế nào, song trong rất đáng yêu.
Hoa súng cũng có rất nhiều loại, hoa súng nhiều đơn và hoa súng cánh kép. Mỗi loại đẹp một vẻ, song ở suối Yến hoa súng cánh kép là phổ biến.
Những bông hoa súng dưới những tán rừng ngập nước ven hai bên bờ suối Yến, được nhiều du khách ví von rằng: Suối yến là cô gái đẹp kiều diễm, còn hoa súng là dải yếm, là những thỏi son tô thêm vẻ đẹp kiều diễm của cô gái.