Ngân hàng Vietcombank chiều nay niêm yết tỷ giá VNĐ/USD tại mức mua vào là 22.460 đồng/USD và bán ra là 22.530 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tương tự, ngân hàng BIDV cũng niêm yết tỷ giá ở mức 22.460 – 22.530 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán. Giá USD trong nước được niêm yết ở ngân hàng Techcombank ở mức mua vào là 22.420 đồng/USD và bán ra ở mức 22.530 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD chiều bán ra và 5 đồng/USD chiều mua vào. Ngân hàng Dong A Bank niêm yết tỷ giá ở mức mua vào là 22.465 đồng/USD và bán ra là 22.530 đồng/USD, tăng 25 đồng/USD ở chiều mua vào và 20 đồng/USD ở chiều bán ra. Ngân hàng Vietinbank mua USD ở mức 22.445 đồng/USD và bán ra ở ngưỡng 22.525 đồng/USD, tăng 10 đồng /USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng ACB, Eximbank cùng điều chỉnh tăng 15 đồng/USD chiều mua vào và 35 đồng/USD ở chiều bán ra, niêm yết ở mức mua vào là 22.455 đồng/USD và bán ra là 22.545 đồng/USD.
Giá USD trong nước chỉ còn cách trần 5 đồng
Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VNĐ/USD tiếp tục được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 21.890 đồng/USD.
Giá USD được cho là biến động mạnh nhất hơn một tuần qua bởi nhiều đồn đoán về khả năng tăng lãi suất đồng USD của Mỹ, khi phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc vào ngày 16.12 tới. Giá USD liên tục tăng đã phần nào gây áp lực lên tỷ giá VNĐ/USD trong nước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn được cho là đảm bảo để có thể giúp giữ tỷ giá ổn định từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, những biến động trong vài ngày tới, như FED có thể tăng lãi suất hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục xuống giá khiến chúng ta cũng phải có những tính toán linh hoạt để đối phó với tình hình này.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2016?” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Long -Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều dự báo đưa ra cho rằng FED có thể tăng lãi suất trong vài ngày tới, song khả năng có thể sẽ không tăng mạnh. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, vấn đề tỷ giá của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước năm 2016; cụ thể là phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ và khả năng đáp ứng của thị trường. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về điều hành tỷ giá vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và dựa trên lợi ích của toàn nền kinh tế.
“Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp số liệu về nhu cầu ngoại tệ trong nước, đồng thời phân tích một loạt các yếu tố khác như dòng vốn FDI, dự báo về kinh tế quốc tế, cán cân thanh toán và cán cân thương mại… Việc điều hành tỷ giá sẽ phải xem xét tới các yếu tố này” - ông Nguyễn Đức Long cho hay.