Kiệu là loại cây trồng lâu năm tại huyện Tam Nông và đây là cây trồng chủ lực để giúp nhiều nông dân miền Tây thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, vụ kiệu Tết được nông dân mong chờ vì giá cả cao, nguồn tiêu thụ dễ dàng và năng suất, chất lượng tốt.
Ông Trần Văn Hội ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông với 5 năm kinh nghiệm cho biết: “Vụ kiệu Tết tuy có cực nhưng lợi nhuận cao vì thị trường tiêu thụ nhiều và giá cả lại cao, nông dân phấn khởi vô cùng”.
Để sản xuất kiệu, người dân đầu tư hơn 10 triệu đồng/công cho: kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bơm tưới nước, thuê nhân công... Việc chăm sóc kiệu cũng rất khó khăn vì nước ảnh hưởng đến năng suất kiệu. Nếu đất khô, kiệu sẽ không lên mầm; còn để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng, thối giống.
Trước khi xuống giống, đất phải được cài ải, phơi khô và lên liếp. Để đạt năng suất cần chọn kiệu giống chất lượng. Bình quân lượng giống cho 1.000m2 từ 120 - 130kg, tùy theo giống kiệu tươi hay khô. Sau khi kiệu nảy mầm sử dụng cân đối các loại phân, ngăn ngừa bệnh vàng lá, cháy lá và các loại thuốc dưỡng rễ để kiệu phát triển nhanh.
Hiện nay, kiệu giống có giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg giống; kiệu thương phẩm giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; so với vài tháng trước, kiệu đã tăng giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Bình quân sau khi gieo trồng 6 tháng kiệu bắt đầu cho thu hoạch, nếu đạt năng suất kiệu tươi có thể đạt từ 3 - 3,5 tấn/công. Sau khi trừ các khoản chi phí về giống, công chăm sóc, phân bón thì mỗi công kiệu có thể thu lợi nhuận từ vài chục triệu đồng/công kiệu thương phẩm.
Vụ kiệu Tết còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại các địa phương có thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày, giúp thu nhập ổn định, mua thêm quần áo mới và sắm sửa thêm vật dụng trong nhà đón Tết.
Mùa kiệu tết tại huyện Tam Nông bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên khi nông dân miền Tây bắt đầu thu hoạch kiệu, các cơ sở chế biếu kiệu dưa đầy không khí và người dân cũng mong chờ một cái Tết đầy ắp tiếng cười với vụ kiệu trúng mùa, trúng giá.
Nông dân tất bật thu hoạch kiệu chuẩn bị cho mùa kiệu Tết.
Nhiều em học sinh, trẻ nhỏ tranh thủ thời gian rảnh phụ gia đình sơ chế kiệu.
Kiệu sau khi thu hoạch được phơi dài như một dải lụa mềm.
Nông dân có thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày với công việc sơ chế kiệu.
Anh Trần Văn Hội kiểm tra chất lượng kiệu giống.
Kiệu Tết đảm bảo chất lượng và giá cao nên nông dân miền Tây rất phấn khởi.
Cái nắng ấm của buổi trưa và cái ấm áp của mùa kiệu Tết.
Trẻ nhỏ luôn tươi cười với những bó kiệu đầy ý nghĩa vì nó có thể giúp chúng có những bộ quần áo mới ngày Tết.
Sản phẩm kiệu làm dưa được thị trường Tết ưa chuộng.