Dân Việt

10 con bò chỉ còn 7 con xuống xóm

Đức Hoàng 16/12/2015 06:30 GMT+7
Những con bò không biết nói. Người dân quá bận bịu để có thể hỏi.

Một người dân tộc Lô Lô đã mô tả thô sơ như thế này với tôi về chương trình hỗ trợ của xã: "10 con bò, họ ăn mất 3 con, chỉ còn 7 con xuống xóm" – anh nói. Nhưng thực chất, anh không bao giờ biết được mình đã thực sự mất bao nhiêu con bò.

Người đàn ông ấy là bí thư chi bộ xóm ở một xóm miền cao hẻo lánh của đồng báo người Lô Lô tại xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nhưng anh cũng không thể nào mô tả chính xác được những gì đã diễn ra với đồng bào trong xóm.

Chính xác là trong 3 năm từ 2010 đến 2012, đã có 310 triệu đồng thất thoát trong các chương trình hỗ trợ dành cho người dân xã Kim Cúc. Những người chịu trách nhiệm đang bị điều tra.

Trong suốt hơn 2 năm kể từ sau khi câu chuyện này diễn ra, nó không xuất hiện trên báo chí; cho tới khi chúng tôi vô tình đặt chân đến cái xóm nằm tít trên núi cao ấy. Anh Triệu Văn Tướng, bí thư chi bộ xóm và các đồng bào, cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu chính xác điều gì đã diễn ra với mình.

img

Tôi nhớ đến câu nói mô tả ngây ngô ấy khi đọc trên báo chí câu chuyện về những con bò trên khắp cả nước. Ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bị "ép" mua bò già, bò bệnh trong một chương trình hỗ trợ của chính phủ. Thay vì được nhận tiền để tự đi mua bò cải thiện cuộc sống, xã tự đứng ra mua bò cho người dân rồi gọi họ đến nhận.

"Xã bán cho tôi con bò bị lở mồm long móng, tôi yêu cầu đổi lại thì xã đổi bò già rụng hết răng" – bà Mang Thị Củi kể trên báo Tuổi Trẻ.

Cũng tại tỉnh Ninh Thuận, trước đó, cũng đã có một vụ tương tự, khi xã tự đứng ra mua bò "thay" dân.

Có một vấn đề trong mối quan hệ giữa người dân và chính quyền: người dân quá bận rộn với cuộc mưu sinh hàng ngày để có thể thực hiện cái "quyền giám sát" của mình. Những người dân ở Cao Bằng hay Ninh Thuận kia, không thể nào soi xét xem xã có làm đúng chưa, tổng cộng có bao nhiêu con bò và bò ấy, có bệnh hay không.

Họ thậm chí gặp khó khăn trong cả giao tiếp. Cuộc sống của những con người ấy vốn đã đủ chật vật nên họ lơ là việc "thực thi quyền giám sát". Ngay cả với anh Tướng, người được trao trách nhiệm.

Những con bò không biết nói. Người dân quá bận bịu để có thể hỏi. Và nếu hỏi, cũng không biết phải hỏi ai. Cuối cùng, những con bò có đi được đến đúng địa chỉ và kéo được xe, đẻ được bê con hay không, phải trông vào sự tự giác của chính quyền.

Cơ chế giám sát này liên tục cho ra những kết quả "không phát hiện tham nhũng" hoặc rất thấp, là điều đang khiến dư luận nghi ngại.

Có những người dân đủ kiến thức để viết một lá đơn. Nhưng cũng có những người dân, như những đồng bào Lô Lô sống trên núi cao, nếu như không được nói cho biết, vĩnh viễn không bao giờ hiểu được rằng cuối cùng thì mình đã bị "ăn" mất bao nhiêu con bò.

Mới đây, ở Anh, một công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng loài bò có cơ chế giao tiếp khá gần với con người: chúng phân biệt được nhau bằng những "tên gọi", các cuộc "trò chuyện" được cá thể hóa, và đó là điều khiến con bê luôn nhận ra được bò mẹ trong cả đàn.

Cuối cùng thì chúng ta có nên chờ các nhà khoa học Anh tiếp tục đổ công nghiên cứu, để tìm ra cách hỏi chuyện những con bò, để biết rằng có bạn bè nào của chúng "đi lạc" vào nhà quan chức hay không, rằng chúng còn sức để kéo xe không. Hay là chờ sự minh bạch?