Xăng có thể về mốc 15.000 đồng/lít?
Giá dầu thế giới hôm qua (15.12) đã tăng trở lại phiên thứ hai liên tiếp do giới đầu tư mua vào để cân bằng trạng thái, nhưng thị trường dầu mỏ vẫn chịu áp lực do tình trạng thừa cung. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 1.2015 tăng 1,04 USD (2,9%) lên 37,35 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 1.2016 tăng 53 cent (1,4%) lên 38,45 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 2.2016 tăng 57 cent (1,5%) lên 38,73 USD/thùng. Trước đó, giá dầu thô thế giới đã liên tục lao dốc mạnh, có thời điểm đã lùi về mức dưới 35 USD/thùng và giảm khoảng 33% nếu tính từ đầu năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Trao đổi với Dân Việt ngày 16.12, ông Trần Minh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) nhận định: Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm thế giới giảm đang tác động mạnh tới giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới giảm không đồng bộ, cụ thể là giá dầu DO giảm nhiều hơn giá xăng thành phẩm nên kỳ điều hành tới, các cơ quan chức năng có thể sẽ điều hành giảm mạnh giá dầu DO từ 1.000 đồng/lít trở lên, còn giá xăng chỉ giảm khoảng 200-300 đồng/lít.
Dù giá dầu thế giới hôm qua đã tạm thoát đáy 11 năm, song giới đầu tư cho rằng đà hồi phục của giá dầu sẽ không kéo dài, trong bối cảnh nguồn cung dầu vẫn thừa thãi và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất cao chỉ trong hôm nay hoặc ngày mai (theo giờ Hà Nội). Giá dầu thô thế giới được dự báo khả năng về mốc 20 USD/thùng trong thời gian ngắn tới. Nếu điều này xảy ra, ông Trần Minh Hà cho rằng, giá xăng dầu trong nước buộc sẽ phải giảm theo và khi đó, giá xăng RON 92 bán trong nước có thể sớm về mốc trên dưới 15.000 đồng/lít thay vì mức 16.796 đồng/lít như hiện nay.
Điều hành giá xăng dầu đã phù hợp?
Theo một lãnh đạo của Bộ Công Thương, nguồn xăng dầu thành phẩm nhập về Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ Singapore. Liên Bộ Tài chính-Công Thương dựa chủ yếu vào giá của thị trường này để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước làm căn cứ điều chỉnh. Theo cập nhật từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm nhập về hơn một tháng trở lại đây dao động ở mức 55-57 USD/thùng, vẫn cao hơn giá dầu thô bình quân thế giới. Chưa kể, khi nhập về, xăng dầu phải chịu một loạt thuế, phí dẫn đến việc điều chỉnh giảm giá như thế nào cũng phải phụ thuộc theo. “Các cơ quan chức năng rất muốn giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, song chúng tôi phải căn cứ vào giá cơ sở mới có thể điều chỉnh mức giảm cho phù hợp” - vị chuyên gia này chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trước đó khẳng định: Việc điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã tuân thủ đúng các quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo ông Hải, các doanh nghiệp xăng dầu đều được chủ động lựa chọn giá cả, thời điểm giao dịch mua bán xăng dầu trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp xăng dầu nào kinh doanh tốt thì thu được kết quả tốt, có lãi; ngược lại nếu chọn thời điểm nhập xăng dầu về không tốt thì tự gây bất lợi cho mình.
“Hoạt động kinh doanh xăng dầu và điều hành giá xăng dầu trong nước đã thể hiện đúng theo quy luật thị trường. Trong cùng chu kỳ kinh doanh sẽ có doanh nghiệp lỗ nhưng có doanh nghiệp lãi; thậm chí có doanh nghiệp thu được lãi nhiều nếu thỏa thuận mua được giá xăng dầu mua trên thị trường thế giới thấp, có chiến lược kinh doanh, hạch toán các chi phí kinh doanh một cách hợp lý…” - ông Hải phân tích.
Về quyền lợi của người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm đến lần giảm giá ngày 3.12, Bộ Công thương đã điều chỉnh giá xăng dầu 20 lần, chỉ với 5 lần tăng, 10 lần giảm và 5 lần giữ ổn định. So sánh với giá xăng cùng kỳ năm 2014 thì xăng A92 giảm 1.084 đồng/lít; dầu diesel giảm 3.760 đồng/lít; dầu hỏa giảm 5.199 đồng/lít. “Chúng tôi cũng đã tính tới quyền lợi của người dân khi giảm giá xăng dầu” - ông Hải nói. |