Ông Nguyễn Quang Minh cho biết, gia đình ông có vườn trái cây 0,6ha, trước đây thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm, giờ chẳng được đồng nào vì cây cối héo úa, không cho trái. “Gần đây, nước bị ô nhiễm nặng không thể tưới cây. Tôi thuê người vét bùn nhưng thấy mặt nước đen kịt, hôi thối thì ai cũng lắc đầu rồi không dám xuống. Tôi tăng giá lên gấp 3 lần mà cũng chẳng ai chịu làm” - ông Minh ngao ngán kể.
Ông Nguyễn Quang Minh bên vườn cây héo úa của gia đình. (Ảnh: K.P)
Bà Nguyễn Thị Tâm cho biết, do phải tiếp xúc với nguồn nước để tưới cây, tay chân bà nổi mẩn đỏ, các móng tay đen sì. “Sau mỗi lần tưới, ngứa quá không chịu nổi, tôi mua thuốc thoa, rồi kết hợp với thuốc uống. Thoa thì hết, tưới lại thì ngứa. Sợ cây chết nên tôi phải liều, nhưng kiểu này trước sau gì vườn cây cũng chết”.
Kề lò mổ, gia đình anh Nguyễn Tuấn Kiệt không chỉ bị héo cây mà cá cũng chết liên tục. Theo ghi nhận của phóng viên, xung quanh lò mổ dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi hám. Nhiều gia đình phải đóng cửa im ỉm vì không chịu nổi mùi hôi thối.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Châu - chủ lò mổ Thành Châu cho biết, lò mổ hoạt động từ năm 1998, và đã xử lý theo công nghệ chuẩn của ngành môi trường. “Trước kia, có một số hộ dân phản ánh ô nhiễm nước thải từ lò mổ. Năm 2011, tôi đã mua thêm phần đất sau nhà làm khu xử lý chứ không để nguồn nước ô nhiễm ra khu vực dân cư như nhiều người nói” - ông Châu nói.
Ông Trương Quang Hương - Chủ tịch UBND xã Đông Hòa cũng cho biết, trước đây đã từng nhận được sự phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nước thải từ lò mổ. Ông cũng xuống khảo sát và mời chủ lò mổ lên làm việc. Một năm trở đây, ông không còn nhận được sự phản ánh của người dân nào cả.
Tuy nhiên, những người dân ở đây lại cho rằng họ vẫn đang tiếp tục kêu cứu và mong ngành chức năng về môi trường kiểm tra và có hướng xử lý thỏa đáng.