Lâu nay, khi nói về tình trạng thực phẩm chứa hóa chất độc hại, người ta thường đổ lỗi cho lòng tham của người nông dân. Song, câu chuyện thịt heo siêu nạc cho thấy chúng ta đang thực sự bị lấy mạng bởi những cái bắt tay trong bóng tối.
Không phải đến khi hàng loạt người buôn bán chất tạo nạc bị bắt trong tháng 12 này thì người ta mới giật mình mà biết rằng lâu nay mạng sống của người dân Việt Nam bị đe dọa bởi thịt heo có chứa chất độc salbutamol.
Gần 4 năm trước, tháng 2.2012 báo Thanh Niên đã đăng loạt bài điều tra 3 kỳ về việc sử dụng salbutamol để nuôi heo tạo nạc. Nhưng, trong 4 năm qua người ta vẫn đàng hoàng dùng salbutamol về để đầu độc người dân.
Salbutamol ở đâu ra? Bốn năm qua, đó là câu hỏi không lời đáp, và có lẽ người ta vẫn sẽ tù mù đổ lỗi cho lòng tham của những người nông dân nuôi heo nếu như không có một nỗ lực quả cảm của một thanh tra Bộ NNPTNT hôm 9.12. Ông này nói rằng "Phía Y tế cứ nhập về bán cho chăn nuôi".
Gần 4 năm qua, Bộ Y tế biết rõ salbutamol dùng để tạo nạc là thứ chất độc chết người. Và cũng Bộ Y tế là đơn vị cấp phép nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc điều trị hen suyễn. Nhưng, 4 năm qua, người ta vẫn nhập quá số lượng cho phép làm chất tạo nạc cho một lượng thịt heo đủ để đầu độc 80 triệu người mà không hề có một lời cảnh báo từ phía Bộ Y tế.
Cho đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn khẳng định chỉ cấp phép cho nhập 3,5 tấn salbutamol. Song thông tin từ phía Tổng cục Hải quan cho biết chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2015 đã có 4,6 tấn salbutamol, cùng với 1,9 triệu bao tân dược có chứa salbutamol được nhập về. Con số chênh lệch khủng khiếp đó cho thấy công tác hậu kiểm lâu nay bị bỏ ngỏ hoàn toàn
Những đơn vị nào được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu salbutamol? Cho đến giờ đó vẫn là những thông tin mà người dân không thể tiếp cận. Danh sách 16 doanh nghiệp nhập khẩu mới chỉ được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cung cấp cho cơ quan điều tra trong tuần trước.
Con đường nào đưa chất độc salbutamol đến mâm cơm của chúng ta? Chắc chắn, chỉ lòng tham của những người nông dân nuôi heo thì không đủ. Những người nông dân có thể vì lợi nhuận, vì muốn tăng thêm chút thu nhập mà sử dụng hóa chất độc hại khi nuôi heo. Song những người nông dân không thể dễ dàng có trong tay thứ chất độc ấy.
Người nông dân hám lợi. Song cái lợi của những người nông dân nuôi heo chẳng thấm tháp vào đâu so với cái lợi của những kẻ nhập thứ thuốc độc đó để bán cho người nông dân. Và cái lợi của những người nông dân nuôi heo càng trở nên nhỏ nhoi so với cái lợi của những kẻ tạo điều kiện cho người ta đàng hoàng nhập khẩu và phân phối thuốc độc tới tay người nông dân.
Người nông dân có thể tặc lưỡi sử dụng chất cấm để kiếm thêm chút ít lợi nhuận. Song, món lợi lớn thuộc về những kẻ chỉ cho người nông dân cái “lợi” khi sử dụng chất cấm. Bởi thế, những người nông dân nuôi heo vừa là kẻ thủ ác, nhưng cũng vừa là nạn nhân của những cái bắt tay trong bóng tối. Đó là cái bắt tay của những con buôn máu lạnh và những nhà quản lý vô cảm.
Những cái bắt tay trong bóng tối khiến chúng ta, tất cả chúng ta, đều là nạn nhân của sự mù mờ về thông tin. Chúng ta, cả những kẻ đang thò bàn tay trong bóng tối, đều không thể biết rằng bữa cơm nhà mình có độc hay không.