“Miệt nước mặn, xứ phèn chua/ Thiên nhiên khắc nghiệt cũng thua bồn bồn”. Không biết tự bao giờ người dân Bạc Liêu - Sóc Trăng đã ngâm nga câu ca dao ấy mỗi khi họ bước chân ra đồng ruộng.
Cây bồn bồn ở Bạc Liêu.
Bồn bồn còn gọi là thủy hương, một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống lá sả. Trước đây, không biết bao lần người nông dân khốn khổ phải tiêu diệt loài cỏ dại này. Vậy mà, bằng sự sáng tạo và thích ứng với môi trường sồng, bồn bồn đã được người bình dân tận dụng làm thức ăn cho chính con người.
Người nông dân chống xuồng ra bưng biền, lung bàu để nhổ bồn bồn. Công việc chẳng khó khăn mấy khi người nhổ chỉ cần cầm ngọn lôi ra, tước phần lá ở ngoài, bẻ lấy lõi màu trắng bên trong. Phần gốc non này dân gian gọi là củ hũ. Những cọng non này đem về xào tép, xào thịt thì ngọt ngon không kém gì năng bộp hay hẹ, giá, …
Dưa bồn bồn trộn tai heo.
Độc đáo hơn, người dân quê còn đem củ hũ bồn bồn để làm dưa. Đem củ hũ bồn bồn, rửa sạch, trụng nước sôi, ngâm trong chậu sành, cho nước cơm vo đổ vào pha chút muối chừng vài ba ngày là đã có được món dưa bồn bồn. Theo kinh nghiệm dân gian thì khi ngâm dưa, phải đổ nước cơm cho ngập hết bồn bồn, nếu không dưa sẽ bị thúi, hư, …
Những cọng dưa phần gốc có màu tim tím ấy tạo cảm giác giòn mềm khi ăn. Món dưa bồn bồn chấm nước tương, nước cá kho, thịt kho giúp cho bữa cơm ngon hơn.
Lâu lâu ra chợ mua được cái lỗ tai heo đem về cạo rửa cho thật sạch, để ráo rồi bắt nồi nước lã lên bếp đun. Chờ nước sôi, thả lỗ tai heo này vào luộc cho chín. Vớt ra, dùng dao bén xắt sợi. Để cho những cọng lỗ tai vừa xắt hết bợn, nhớt thì chịu khó trụn qua nước sôi lần nữa, trút ra rổ tre, xốc cho thật khô nước. Dưa bồn bồn gắp ra, vắt khô nước. Trộn thêm chút đường cát cho vị đằm và ngọt hơn. Cho lỗ tai heo vào dùng đũa đảo đều.
Gắp món dưa bồn bồn ra đĩa, xắt thêm ớt hiểm chín, ngò gài, húng quế rắc lên trên. Món ăn này vừa dân dã lại ngon cơm. Đặc biệt dân nhậu gặp được thì coi như bữa đó “mát trời ông Địa” mới chịu về!.