Dân Việt

“Tăng phí bảo hiểm bằng 2-3 bữa nhậu”, ai được quyền nhậu?

Đức Hoàng 21/12/2015 06:30 GMT+7
Hệ quy chiếu “bữa nhậu” ấy liệu có phổ biến hay là nó chỉ dành cho não trạng của một số tầng lớp?

“Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam” – đó là phát biểu của Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về phí bảo hiểm y tế và phí khám chữa bệnh.

Câu hỏi đặt ra sau cách lý giải trực quan này: Hệ quy chiếu “bữa nhậu” ấy liệu có phổ biến như cách nghĩ của ông Tiên, hay là nó chỉ dành cho não trạng của một số tầng lớp, chứ còn vẫn đầy rẫy những bệnh nhân không bao giờ hiểu “bữa nhậu” là cái gì?

Có những bệnh nhân không bao giờ được quyền nhậu. Ví dụ như một thành viên của “xóm chạy thận” nằm trong một ngõ nhỏ của đường Lê Thanh Nghị, gần bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Ở đó, bạn sẽ gặp Oanh. Cô gái gày gò chưa được 40kg, đã chạy thận ở Bạch Mai 10 năm nay. Cô sống cùng bạn, một chàng trai bị tật ở chân rất nặng, đi lại và ngồi đều khó khăn, nhưng không bao giờ mơ được đến ngày có đủ tiền phẫu thuật.

Oanh bán nước “chui” trong bệnh viện Bạch Mai. Nội quy bệnh viện không cho phép bán hàng rong hoạt động. Nhưng Oanh không còn cách mưu sinh nào khác. Bệnh suy thận khiến cho cô không thể di chuyển xa và làm những công việc nặng nhọc. 10 năm chạy thận, gia đình cũng không thể lo cho Oanh nữa. Cô xoay sở bằng việc chui lủi với cái làn nước chè, lẩn khuất trong những góc tối của bệnh viện để kiếm tiền đong gạo.

Ngày xưa, đồ nghề bán nước của Oanh có một ấm tích bằng sứ. Nhưng dạo này, trong chiếc làn chỉ có một cái ca nhựa, pha nước chè luôn trong ấy. “Nếu dùng ấm tích, bảo vệ người ta bắt được họ đập nát. Dùng đồ nhựa thì đỡ hơn anh ạ” – Oanh kể.

img

Oanh (đeo khẩu trang) đang bán nước "chui" trong bệnh viện.                    ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Đó chỉ là một trong muôn vàn những số phận mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở khắp các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM. Riêng trong những xóm chạy thận như trong ngõ nhỏ đường Lê Thanh Nghị, bạn đã bắt gặp đầy những sắc người xanh xám, không còn sức lực vì bệnh, nhưng vẫn phải loay hoay tìm đường mưu sinh để trụ lại thành phố. Đánh giày, rửa bát, bán nước vỉa hè hay bán nước “chui” trong viện.

Đó là những số phận khốn cùng vì bệnh tật – những người “nhà quê” rời bỏ đồng ruộng lên thành phố và không nơi nương tựa hay kế mưu sinh vì bệnh tật. Đó là những người không có cái hệ quy chiếu “bữa nhậu” mà ai đó tưởng rằng là quá đỗi thân thương.

Cho dù việc tăng phí khám chữa bệnh hay phí bảo hiểm y tế có thể là hợp lý, nhưng nó cần được giải thích bằng các phân tích khoa học, những con số cụ thể. Những con số nói rằng bảo hiểm xã hội Việt Nam đang hoạt động có hiệu quả, không thất thoát, nhưng vẫn đang thiếu nguồn thu chẳng hạn.

Những con số nói rằng đầu tư cho hệ thống y tế vẫn đang đạt được tối đa hiệu quả, nhưng cần thêm sức lực từ nhân dân, ví dụ thế. Một quyết định quan trọng như vậy, được giải thích từ một vị đại biểu nhân dân, nên khoa học và biện chứng. Chứ không phải là giải thích bằng cái phép so sánh “bữa nhậu”.

Hệ quy chiếu “bữa nhậu” thật ra chỉ quen thuộc với những người... hay nhậu. Có thể điều đó phổ biến, ở một nhóm đối tượng đô thị nào đó, nhưng chắc chắn là không đại diện phổ quát cho toàn bộ người dân, đặc biệt là những con người đang khốn cùng vì bệnh tật.

Nếu có một “bữa nhậu”, thì bữa nhậu của rất nhiều người Việt Nam có thể sẽ không đồng giá với bữa nhậu của Tiến sỹ Tiên. Có những bữa nhậu 200-300 nghìn đồng, có những bữa nhậu chỉ là quả cóc ăn với một chai rượu quê, như khi một xóm lao động nghèo ngồi liên hoan.

Đôi khi cách giải thích một vấn đề có thể khiến người ta trở nên khó hiểu vì một thứ dẫu rằng nó có thể mang động cơ tốt. Có thể thôi.