Dân Việt

Vay vốn mua phân bón trả chậm cho nông dân

Lam Khê 25/12/2015 10:01 GMT+7
Không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón và bà con nông dân, Hội Nông dân (ND) huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) còn đứng ra vay vốn ngân hàng để mua và cung ứng hàng ngàn tấn phân bón Lâm Thao trả chậm đến tận tay bà con ND với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng.

Linh hoạt để giúp nông dân hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Hiền - Chủ tịch Hội ND huyện Nghi Xuân cho biết: Chương trình mua phân bón trả chậm của Trung ương Hội ND Việt Nam ký kết với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện từ năm 2003-2005 đã hỗ trợ rất lớn cho bà con ND. Tuy nhiên năm 2006, tình hình kinh tế khó khăn, giá cả bấp bênh nên không chỉ ở Hà Tĩnh mà một số tỉnh khác, việc thu hồi nợ hết sức khó khăn dẫn đến việc thanh toán nợ không đúng cam kết, nợ nần kéo dài. Từ đó Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tạm dừng chương trình mua phân bón trả chậm ở Hà Tĩnh.

img

Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm thao giới thiệu sản phẩm với bà con nông dân Hà Tĩnh-Nghệ An. Ảnh:  Hữu Anh

Trước những khó khăn này, Hội ND huyện phải tìm phương án mới để hỗ trợ cho bà con ND. Năm 2008, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bán phân bón theo phương thức trả chậm cho các đơn vị có bảo lãnh của ngân hàng.

Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, Hội thấy khi ngân hàng bảo lãnh tín chấp người mua hàng phải trả phí bảo lãnh cho ngân hàng, phí đó được tính vào giá thành của sản phẩm, chính vì vậy giá bán sản phẩm cao hơn so với giá mua hàng trả bằng tiền mặt. Vì vậy từ năm 2010 đến nay Hội ND đã chuyển từ phương thức bảo lãnh tín chấp của ngân hàng sang hình thức lập dự án vay vốn để mua phân bón.

Cụ thể là Hội ND huyện Nghi Xuân đã đứng ra tín chấp vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua bảo lãnh của UBND huyện). Phương thức này giúp hội viên ND được hưởng lợi nhiều hơn. 

Đánh giá về cách làm mới này, ông Hiền cho biết: “5 năm qua việc triển khai cho thấy hiệu quả rõ rệt”. Theo ông Hiền, trước khi tiến hành cung ứng phân bón, Hội thông báo chủ trương, kèm báo giá phân bón của công ty cung ứng gửi UBND xã, thị trấn và Hội ND cấp xã để bà con đăng ký số lượng mua.

Trên cơ sở đó, Hội ND huyện làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tập trung các loại giấy tờ có giá trị (chủ yếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của cán bộ cơ quan Hội ND huyện thế chấp vay vốn. Đồng thời với việc giao phân bón cho các hộ, Hội ND cấp xã thu tiền đối với hộ trả trực tiếp và lập danh sách các hộ trả chậm, danh sách và tiền mua phân bón được chuyển về Hội ND huyện. Căn cứ vào số lượng phân bón cung ứng, số tiền thu được, Hội ND vay ngân hàng số tiền còn lại để trả đủ cho công ty cung ứng.

img

Bàn giao phân bón Lâm Thao cho hội viên, ND xã Xuân Hải. Ảnh: Hữu Anh

Cách làm này nhận được hỗ trợ của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và các xã, thị trấn. Hội ND huyện vay 4 - 5 tỷ đồng để mua từ 1.300 - 1.500 tấn phân bón/năm. Cụ thể, năm 2013, các cấp Hội trong huyện cung ứng 1.380 tấn phân các loại cho 14.500 hộ; năm 2014 cung ứng gần 1.000 tấn cho 12.000 hộ và năm 2015 cung ứng cho 10.778 hộ hội viên ND. Các sản phẩm do Hội hỗ trợ, cung ứng chất lượng tốt, giá cả hợp lý, giá thấp hơn thị trường.

Hàng năm, Hội còn tham mưu đề xuất với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ kinh phí mỗi năm từ 20-30 triệu đồng để tập huấn cho ND về kỹ thuật sử dụng phân bón, kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ hàng chục tấn phân bón để xây dựng các mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao giúp ND chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

“Mong chương trình được duy trì lâu dài”

" Nhận thấy hiệu quả to lớn từ việc cung ứng trả chậm phân bón cho ND, hiện nay Hội ND các huyện như Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc... cũng xắn tay vào cuộc cung cấp, hỗ trợ phân bón cho bà con sản xuất”. 
Ông Nguyễn Tiến Anh -  Giám đốc Trung tâm Dạy nghề  và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh

Theo ông Trần Văn Hiền, với cách làm của Hội ND huyện Nghi Xuân, hội viên được sử dụng phân bón đảm bảo chất lượng, chủ động mua phân khi chưa sẵn tiền, giá cả rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Sự vào cuộc của Hội đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao vị thế của tổ chức hội, thu hút ND vào hội ngày càng nhiều. Nhiều xã, thị trấn đi đầu trong việc triển khai hỗ trợ phân bón Lâm Thao như xã Xuân Trường, Xuân Viên, Xuân Đan, Cổ Đạm, Xuân Hải, thị trấn Xuân An...

Thậm chí một số địa phương còn tham mưu cho UBND xã hỗ trợ phần lãi suất trả chậm cho bà con như xã Xuân Hải, Xuân Trường, Xuân Phổ và thị trấn Xuân An.

 “Trước đây, cứ đến vụ mùa, người ND chúng tôi lại lo lắng về khoản tiền để mua phân bón. Đặc biệt là các cửa hàng tăng giá khi vào đầu vụ sản xuất. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ chương trình cung ứng phân bón trả chậm của Hội ND huyện Nghi Xuân và xã Xuân Hải, gia đình tôi không phải vay tiền mua phân bón như trước. Chỉ cần đăng ký qua chi hội ND xóm về số lượng, chủng loại phân bón, sau đó chi hội xóm báo lên xã. Đến vụ sản xuất, xe chở phân về tận hội trường thôn cho bà con. Sau khi thu hoạch vụ mùa, ND mới trả tiền”  - ông Trần Văn Hùng ở xã Xuân Hải cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Xuân Viên cũng phấn khởi nói: “Gia đình tôi làm 7 sào cả lúa và màu, vì vậy mỗi vụ riêng phân bón các loại đã mất hơn 2 triệu đồng. Trước đây rất khó khăn, đầu vụ phải bỏ ra số tiền lớn để mua phân bón, nay mua phân bón trả chậm qua Hội ND giúp gia đình tôi có phân bón đúng thời vụ, bảo đảm chất lượng. Mong chương trình được duy trì lâu dài để bà con bớt khó khăn, yên tâm sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Chủ tịch Hội ND xã Xuân Phổ cho hay: “Mỗi năm Hội ND xã cung ứng cho hội viên ND khoảng 50 tấn phân bón. Theo đó, sau khi có cam kết bảo lãnh của UBND xã Xuân Phổ, Hội ND huyện đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng để mua phân bón trả chậm cho bà con ND có nhu cầu đăng ký mua. Thời gian trả chậm sau 6 tháng, người dân không phải trả trước tiền mặt nếu chưa có”.

Cũng theo bà Thảo, ngoài việc giải tỏa nỗi lo lắng của người ND về giá cả lên xuống thất thường, phân bón giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, theo ký kết, các công ty sẽ chở phân bón về tận xã, bán cho ND theo giá niêm yết của nhà máy tại thời điểm cung ứng. Hơn nữa, việc cung ứng trả chậm đã giúp các hộ ND giảm thời gian, chi phí làm các thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc vay vốn lãi suất cao bên ngoài. Việc cung ứng linh hoạt, đầy đủ, bà con có điều kiện đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng.