Những người dân xã Ninh Hiệp đã đưa những đứa con của họ vào một cuộc đấu tranh: ép chúng bỏ học; và gián tiếp tham gia vào một thứ có thể tạm gọi là cuộc gây áp lực lên chính quyền.
Cả nghìn học sinh tiểu học và THCS tại Ninh Hiệp đã bị cha mẹ bắt nghỉ học, hoặc không thể đến trường vì sự quấy nhiễu.
Sáng 23.12, hàng trăm em nhỏ trong đồng phục học sinh, cùng người lớn mang trống, cờ tập trung trước cổng trường tiểu học Ninh Hiệp để phản đối chính quyền. Lũ trẻ tràn vào cả trường, và kêu gọi các bạn khác bỏ học.
Những đứa trẻ ở Ninh Hiệp đã bị ép phải nghỉ học. Ảnh: vietnamnet
Sự bất lực cuối cùng của con người là khi họ dùng đến chính những đứa con làm công cụ. Vợ chồng khi đã dùng đến con cái để gây áp lực lên nhau nghĩa là cuộc đối thoại đã đi vào bế tắc, tình cảm đã nhạt nhòa. Những phụ nữ ôm con nhảy xuống sông tự tử vì nghèo hay vì bạo hành, là đỉnh điểm của sự phẫn uất vô phương.
Khi trẻ con xuất hiện trong những mâu thuẫn, thì điều đó thậm chí đã vượt qua cả sự bất lực. Bất lực có nghĩa là người ta không thể giải quyết một vấn đề. Ở đây, khi chúng được “sử dụng”, thì không chỉ là không thể giải quyết vấn đề, mà người lớn dường như đã muốn bày tỏ một thái độ “trả thù” – bởi vì cuối cùng, thì đày đọa những đứa trẻ, cũng là một cách tự đày đọa bản thân, một cách nói thật to lên rằng tôi không còn biết làm gì ngoài làm tổn thương chính mình để được gây chú ý. Trong những mâu thuẫn gia đình cũng thế, mà trong những cuộc như đang diễn ra tại Ninh Hiệp, cũng thế.
Câu hỏi ở đây là: điều gì đã làm cho sự bất lực được đẩy lên cao tới mức ấy và những đứa trẻ phải xuất hiện?
Là một cơ chế đối thoại không thành công. Chủ trương của chính quyền địa phương là xây dựng một trung tâm thương mại; còn người dân muốn giữ bãi trông xe chợ Nành như cũ.
Người dân không có một cách nào truyền đạt ý kiến lên chính quyền hiệu quả. Chính quyền không có một cách nào truyền đạt chủ trương tới người dân một cách hiệu quả. Giống như một cuộc đối thoại cũng thường xuất hiện trẻ con khác, là chuyện vợ-chồng, thì rất khó để phân định thế nào là đúng, thế nào là sai, ai là người có lỗi. Vấn đề là cách trò chuyện với nhau. Nhìn cái cách trường tiểu học Ninh Hiệp bị bao vây, biết rằng những đối thoại trước đó là vô nghĩa.
Ở một tỉnh giáp biên giới, nơi tình hình biên giới khá phức tạp, một vị chủ tịch xã tâm sự với tôi rằng, khi chính quyền có chương trình hỗ trợ sản xuất, cho con giống, cây giống tới bà con, thì hẹn 7 giờ sáng tới 8 giờ cũng chưa có ai. Trong khi đó, bà con lại sẵn sàng tin vào nhiều lực lượng khác với động cơ bất minh, ví như những thương lái đến từ bên kia biên giới.
Đôi khi vấn đề không phải là động cơ, mà là cách đối thoại. Có một vấn đề nào đó về cách đối thoại, khiến cho người dân sẵn sàng tin vào nhiều thứ hơn là tin những cán bộ về lý thuyết là ăn lương để phục vụ họ. Điều đó không chỉ diễn ra tại Ninh Hiệp, mà trở thành một kịch bản quen thuộc ở nhiều địa phương trên cả nước. Những vụ chặn quốc lộ, tụ tập bao vây ủy ban, diễn ra với tần suất lớn.
Hãy xem xét lại chi tiết: ở đỉnh điểm của mâu thuẫn, khi bà con đã tụ tập, khi lũ trẻ đã bỏ học, khi được hỏi rằng “có cần thiết phải xây thêm trung tâm thương mại”, chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp vẫn từ chối trả lời “vì nhiều lý do khách quan”.
Đến bây giờ chính người phụ trách địa phương cũng không muốn, không dám hay là không thể trả lời câu hỏi quan trọng nhất, thì không ngạc nhiên vì những điều đã diễn ra. Đó là một cơ chế đối thoại quá tồi.
Hãy thử tưởng tượng rằng trong một cuộc xô bát xô đũa, khi người vợ, trong cơn giận dữ kịch điểm, hỏi người chồng một câu cốt lõi. Anh ta từ chối trả lời “vì lý do khách quan”.
Lúc đó chắc chắn là lũ trẻ con trong nhà cũng sẽ bị lôi ra để đọa đày.