Mạnh dạn xin làm du lịch
Ông Nguyễn Văn Xinh – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cho biết: “Năm 2012, nhận thấy tình hình phát triển du lịch sinh thái miệt vườn của địa phương ngày một phát triển, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển du lịch miệt vườn với 17 thành viên tham gia”.
Các thành viên của HTX nông nghiệp Mỹ Long chia sẻ về cách thức làm du lịch miệt vườn. Ảnh: Chúc Ly
Với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, một số thành viên trong HTX có vốn thì đứng ra cải tạo, quy hoạch vườn nhà mình thành những điểm thăm quan với dịch vụ trọn gói, từ tham quan vườn, ăn uống và nghỉ qua đêm tại chỗ. Còn các thành viên khác thì trở thành những “vệ tinh” cung cấp những sản vật, trái cây cho những điểm du lịch của các thành viên khác. Ông Trần Thái Hòa – Phó Chủ nhiệm HTX thông tin: “Ban đầu, các thành viên trong HTX hoạt động rất hiệu quả, tạo được dấu ấn riêng, lượng khách biết đến các điểm du lịch của các thành viên ngày một nhiều. Vào mùa trái cây, đặc biệt là mùa dâu (khoảng tháng 3-8 âm lịch) lượng khách đến khá đông, khoảng 50 người/tháng tại một điểm”.
Khó nhân rộng vì... đường xấu
" Các thành viên HTX dư sức thực hiện du lịch sinh thái vườn, vì đa số các vườn đều rất đa dạng cây trái, giữ được nét hoang sơ, tự nhiên vốn có nên khách rất thích. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng nông thôn còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn thì khách rất ngại đến, nhất là khách nước ngoài”. |
Cũng theo ông Hòa, để đầu tư một mô hình sinh thái vườn đủ điều kiện để phục vụ cho khách du lịch, đòi hỏi chủ vườn phải đầu tư vốn khá lớn, trong khi đó đa số nông dân chưa đủ tiềm lực để đầu tư lâu dài.
Ông Hòa chia sẻ: “Bản thân gia đình tôi cũng đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng vào vườn du lịch. Ban đầu mình làm thấy rất thích vì lượng khách đến đông, nhưng về sau đường giao thông dẫn vào nhà bị xuống cấp trầm trọng, xe bốn bánh không thể vào tới nên mất một lượng khách lớn. Còn đường sông thì cũng khó khăn do đến mùa nước cạn thì thuyền lớn không vào được”.
Còn theo ông Xinh, tổng vốn đầu tư khu vườn 1,2ha và 2 phòng nghỉ qua đêm cho khách khoảng 300 triệu đồng. “Các thành viên HTX dư sức thực hiện du lịch sinh thái vườn, vì đa số các vườn đều rất đa dạng cây trái, giữ được nét hoang sơ, tự nhiên vốn có nên khách rất thích. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng nông thôn còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn thì khách rất ngại đến, nhất là khách nước ngoài. Ngoài ra, khả năng marketing, quảng bá của những người nông dân làm du lịch còn kém” – ông Xinh nói.
Ông Võ Thành Giúp – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch huyện Phong Điền nhận định: “Nhiều nông dân có vườn đẹp và đam mê du lịch đã tổ chức khá tốt mô hình vườn du lịch sinh thái, tạo thêm nguồn thu đáng kể. Trung tâm cùng với chính quyền địa phương đã xúc tiến, quảng bá và tổ chức chức nhiều lớp tập huấn về các loại hình du lịch cho nông dân, định hướng cho bà con nên tập trung phát triển hoàn thiện một số điểm hiệu quả, còn những hộ ít vốn thì trở thành “vệ tinh” cung cấp sản phẩm sạch, đồng thời tăng cường liên kết với các công ty du lịch. Hiện địa bàn huyện đang có khoảng 20 hộ nông dân làm du lịch”.