Dân Việt

Những vụ “ruồi trong chai” nước ngọt nổi tiếng thế giới

Quang Minh – Tổng hợp 24/12/2015 19:00 GMT+7
Coca Cola, Pepsi hay KFC đều là những thương hiệu đồ uống và đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới, từng phải đối mặt với nhiều vụ việc rùm beng ảnh hưởng nặng nề uy tín.

Điểm chung của những vụ kiện có "vật thể lạ" trong đồ uống này là tất cả đều được giải quyết tại tòa án hoặc tổ chức có uy tín, không có chuyện hai bên "đi đêm" với nhau hay đòi bồi thường để đổi lấy sự im lặng.

1. Lon Sprite (Coca Cola) có gián

img

Một người đàn ông họ Cao, mua 24 lon nước Sprite ngày 23.6.2007 từ một siêu thị ở Bắc Kinh (Trung Quốc) bỗng phát hiện ra sinh vật dài 3cm hình thù giống một con gián trong lon nước đang uống.

Cao đã kiện lên tòa án Bắc Kinh năm 2008 và yêu cầu đền bù số tiền tượng trưng là 5,1 tệ (khoảng 18 nghìn đồng). Cao nói số tiền đó gồm 2,05 tệ cho chai nước, 2,05 tệ tiền phạt và 1 tệ vì “tổn thương tâm lý”. Cao cũng yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ công ty chủ quản Coca Cola.

“Tôi không cần tiền. Tôi chỉ quan tâm tới lợi ích của những người tiêu dùng mà thôi”, Cao trả lời trên tờ Tin tức Bắc Kinh. Anh cho biết thêm gia đình đã không sử dụng sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng này nữa vì thấy “quá ghê sợ”.

Trong phiên tòa xét xử, đại diện công ty giải khát Coca Cola Bắc Kinh thừa nhận lon nước Sprite là một sản phẩm do công ty sản xuất. Lon nước đó cũng không hề có dấu hiệu bị làm giả hoặc can thiệp bằng ngoại lực.

Tòa án đã buộc công ty phải trả 2,05 tệ nhưng không đồng ý với các yêu cầu khác của Cao. Anh cho biết mình không thỏa mãn với kết quả phiên tòa và đệ trình lên cấp cao hơn giải quyết.

Trước đó, Coca Cola từng dính bê bối khi 2 người bị nhiễm độc thủy ngân khi sử dụng nước ngọt Sprite từ công ty này sản xuất. Coca Cola đã đề nghị đền bù 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng) cho mỗi nạn nhân bị ngộ độc theo “tinh thần nhân đạo”.

 2. Lon Pepsi có ếch

img

Tháng 8.2009, anh Fred DeNegri ở Ormond Beach, bang Florida đang nằm duỗi người thoải mái trên ghế ở sau vườn nhà, chờ vợ mình chuẩn bị món thịt nướng. Bỗng nhiên anh hét lớn và nôn ọe liên tục khi uống một ngụm nước từ lon Pepsi Diet trên tay.

DeNegri dốc lon Pepsi để kiểm tra nhưng có thứ gì đó kẹt lại bên trong. Mùi tanh và hôi bốc ra từ lon Pepsi là rất khủng khiếp. Thứ sót lại, rơi ra khỏi lon đang trong quá trình phân hủy và có lẽ là một chú ếch. Không biết bằng cách nào mà quy trình sản xuất khép kín của Pepsi lại xuất hiện chú ếch này.

Gia đình DeNegri đệ đơn kiện lên Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA).

FDA ngay lập tức cử người tới hiện trường, ghi nhận vụ việc và ra siêu thị nơi DeNegri mua lon Pepsi điều tra. Họ mua một số lon nước tương tự nhưng không phát hiện có thêm dị vật nào trong lon nước. Dây chuyền sản xuất ở Orlando cũng được một nhóm từ FDA kiểm tra.

Người phát ngôn của FDA, Siobhan DeLancey cho biết hiện vẫn chưa kết luận được bằng cách nào vật thể lạ lại chui lọt vào lon nước ngọt của hãng Pepsi. Phía Pepsi cũng khẳng định chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo và dây chuyền khép kín không thể xảy ra tình trạng một vật thể như chú ếch kia chui lọt được.

Phía Pepsi không công nhận lỗi về phía mình cũng như không hề có bất kì động thái xin lỗi hay đền bù nào cho phía gia đình DeNegri.

3. KFC có sâu bướm và khuẩn salmonella

img

Năm 2014, cặp đôi Nicky Hammond và Jordan Laidler đi ăn ở nhà hàng KFC ở Durham (Anh) thì bỗng phát hiện ra một con sâu bướm còn sống và đang ngoe nguẩy trong cốc nước họ đang uống.

Dù rất tức giận với chất lượng KFC nhưng cả hai chỉ mang về thêm bực dọc khi nhân viên không hề xin lỗi họ về vấn đề này. Công ty KFC cũng im lặng, không bình luận thêm về vụ việc. Cặp đôi chẳng còn cách nào khác là tự nhủ sẽ không bao giờ đến KFC một lần nào nữa trong đời.

Nghiêm trọng hơn là năm 2005, cô bé Monika Samaan đã hôn mê sâu sau khi ăn đồ tại KFC tại New South Wales, Australia. Bác sĩ chẩn đoán cô bị ngộ độc khuẩn salmonella. Tỉnh dậy sau một thời gian điều trị tích cực, cô bé đã bị liệt tứ chi. KFC từ chối mọi cáo buộc từ phía gia đình Monika Samaan.

Vị luật sư Justice Stephen Rothman đã bày tỏ sự ủng hộ gia đình Samaan và yêu cầu phía KFC bồi thường 8 triệu USD tiền chữa trị liệt tứ chi và tổn thương não cho cô bé đáng thương. Tuy nhiên, KFC khẳng định luôn cung cấp những sản phẩm chất lượng nhất trong hơn 50 năm phục vụ thực khách Australia. Công ty cho biết những món ăn tươi ngon, tiêu chuẩn cao nhất luôn được đưa ra và chưa từng có sự việc nào tương tự xảy ra trong quá khứ.