Nguyên liệu để chế biến món thịt hun khói rất đa dạng, từ thịt trâu, bò, lợn… Thịt được treo trên bếp lửa hồng để cho khô quánh lại, không bị ôi, thiu. Khi cắt miếng thịt ra để xào nấu vẫn còn màu hồng tươi của thịt nạc, phần thịt mỡ thì quánh lại khô giòn, ăn có vị thơm ngậy mà lại không béo ngấy.
Theo chị Lò Thị Vân, dân tộc Thái ở bản Lầu, TP.Sơn La (Sơn La), thịt gác bếp là món ăn có từ lâu của người vùng cao, là cách bà con bảo quản thực phẩm lâu dài, dùng khi thời tiết khắc nghiệt hoặc không thể xuống chợ mua bán.
Thịt gác bếp đã trở thành một món ăn đặc sản vùng cao được nhiều người biết đến. (Ảnh: S.N)
Để làm món thịt này người ta thường lấy thịt bắp hoặc thịt vai của những con trâu, bò, lợn, thái miếng dài 25-30cm; dày từ 2-5cm; bề ngang tuỳ theo thớ thịt, rồi đem ướp với rượu và muối, các gia vị khác như ớt, gừng, mắc khén... rồi cho vào bình hoặc lọ đậy nắp kín ngâm khoảng 1 tuần lễ. Sau đó, xâu thịt lại bằng dây rừng treo lủng lẳng trên gác bếp để cách ngọn lửa chừng 20cm trở lên tránh không cho đầu ngọn lửa bén vào làm cháy thịt. Có hơi nóng của lửa, miếng thịt rút nước khô lại, mỡ cũng tiết ra bớt và khói than tạo thành một lớp bọc ngoài bảo vệ vững chắc, vi khuẩn khó xâm nhập và làm hỏng phần bên trong của thịt. Vì thế món thịt hun khói luôn giữ được mùi thơm, khi ăn thấy dai và ngọt đượm.
“Thịt có thể ăn ngay sau khi treo được một tuần, nhưng muốn ngon hơn phải để sau một tháng. Lúc ấy đem thịt xuống, ngâm với nước gạo hoặc lấy nước sôi rửa sạch, sau đó thái lát mỏng để xào nấu. Có thể chế biến ra nhiều món: Luộc, rán, xào, nấu, nhưng có lẽ ngon hơn cả vẫn là món thịt xào với rau cải địa phương. Vị ngọt của thịt với vị ngọt của rau cải lẫn vào nhau, ăn vừa dai vừa giòn lại bùi bùi ngòn ngọt, ăn mãi không thấy ngán” – chị Vân chia sẻ.
Thời tiết cũng là một yếu tố quan trọng để bắt tay vào chế biến món thịt hun khói, thường bắt đầu vào mùa rét là có thể làm được. Và món thịt được ăn qua mùa đông, hết mùa xuân. Còn vào mùa hạ thường thì không làm món này vì thịt dễ ôi thiu...