Ông Được với hệ thống máy cơ giới do ông sở hữu. Ảnh: C.T
Để sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, ông tham gia các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ vào quá trình sản xuất giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao lợi nhuận. Hiện 30ha lúa của ông tập trung tại 2 xã Thạnh Lợi và Hưng Thạnh đều cho năng suất mỗi vụ từ 7 - 8 tấn/ha.
Thấy thuận lợi, ông tiếp tục đầu tư mua máy cắt lúa, máy cày, máy xới... và thuê nhiều nhân công phục vụ. Bình quân mỗi năm sau khi trừ các chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các công đoạn khác, gia đình ông thu lợi nhuận từ 1 - 1,5 tỷ đồng.
Để tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, đầu năm 2014, ông Được chuyển từ sản xuất lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường và được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với các giống: VNĐ 20, OM 4900, Jasmine 85... giá bán từ 5.500 - 6.000 đồng/kg. Năng suất lúa giống luôn đạt từ 7 - 7,5 tấn/ha/vụ, tùy điều kiện mà có thể sản xuất từ 2 - 3 vụ/năm. Việc canh tác lúa giống cũng giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động các công đoạn, với thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày công. Sản xuất lúa giống khó hơn lúa thương phẩm nhưng lợi thế là được bao tiêu, nên khi thực hiện thành công gia đình đều vui mừng và tiếp tục thực hiện.
Kinh tế khá giả, hàng năm, ông Được trợ giúp từ 200 - 300 triệu đồng cho các công tác từ thiện như: Cứu trợ từ 20 - 40 tấn lúa, xây cầu nông thôn, trải đá đường nông thôn... Ông chia sẻ, do lúc trước rất khó khăn nên khi có của ăn của để thì phải chung tay cùng địa phương làm các công tác xã hội. Ông Đoàn Văn Được đã được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về sản xuất kinh doanh giỏi; Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về xây dựng cầu đường nông thôn, và là cá nhân tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đồng Tháp năm 2015.