Vụ án Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy công an Đội Cảnh sát giao thông Công an Q. Tân Bình) vừa được Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử, vẫn đang để lại dư âm và cả bức xúc trong dư luận xã hội.
Cảnh sát giao thông (CSGT) vốn đã đang là đối tượng được dư luận chú ý sát sao. Bởi hàng ngày, ai tham gia giao thông mà chẳng phải chú ý tới CSGT. Chú ý để được phân luồng, chỉ dẫn cho lưu thông thông suốt. Chú ý để đừng vi phạm mà bị tuýt còi, mất tiền, phiền phức. Và hơn nữa, chú ý để xem việc làm luật của đối tượng vi phạm với CSGT như thế nào? Và cuối cùng, để hả cơn tức khi bị oan, hay khi bị CSGT núp… rình bắt mình vi phạm.
Chẳng thế mà gần đây, khá nhiều người lại hả hê khi một CSGT bị xe tải kéo lê dưới gầm xe hàng chục mét, mình đầy vết thương, quần áo rách tả tơi.
Tôi không đồng ý với sự hả hê này, vì như thế là “vơ đũa cả nắm”. Có thể một số CSGT xấu, mặc nhiên không phải tất cả. Nhưng tôi thông cảm với những ai hả hê, vì có lẽ, bản thân họ đã nhiều lần bị CSGT hành xử không phải, và họ rất bất bình với những hành vi xấu của CSGT.
Các bị cáo tại tòa, bị cáo Như mặc áo trắng ngoài cùng bên phải. Ảnh: H.K
Nói thế để hiểu vì sao, sau phiên tòa xét xử Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy CSGT), dư luận rất bức xúc trước những bất thường mà phiên tòa chưa làm rõ được, phải trả hồ sơ điều tra lại.
Bất thường là 3 bị cáo khai CSGT Như gọi điện thoại nhờ các bị cáo “đánh dằn mặt” ông Chín - người đã vi phạm Luật Giao thông mà dám cả gan cãi lại CSGT Như (sau đó nạn nhân Chín đã chết). Khi vụ việc bị điều tra, các bị cáo khai CSGT Như đã hứa trả tiền cho mỗi bị cáo 100 triệu đồng để nhận tội thay. Nhưng những bất thường này đã không được điều tra làm rõ.
Dư luận đặt câu hỏi: Có phải cùng là công an, nên những hành vi bất thường nguy hiểm cho xã hội như vậy đã bị bỏ qua? Có phải bị cáo Như là người có tiền nên dám chi mấy trăm triệu đồng trả cho 3 bị cáo khác để nhận tội thay như trong lời khai tại Tòa? Và CSGT Như lấy đâu ra nhiều tiền như vậy? CSGT Như là ai mà lại hống hách, coi thường pháp luật đến thế?
Chẳng lẽ trong vụ việc này, dư luận lại cũng “vơ đũa cả nắm” khi đặt những câu hỏi cắc cớ như trên? Tôi nghĩ là không. Bởi tại Tòa, Thẩm phán đã nhận định với nguyên CSGT Như: Bị cáo có thừa nhận hay không thì các tài liệu, chứng cứ khách quan và lời khai của các bị cáo khác đủ chứng minh hành vi của bị cáo.
Nhưng vậy thì vì sao cơ quan công an điều tra vẫn không làm rõ hành vi của nguyên CSGT Như? Dư luận hỏi mà như đã trả lời.
Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: Khung hình phạt dành cho bị cáo Như mà Cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu là có mức án tới 15 năm tù, tức rất nghiêm trọng. Mà theo quy định, rất nghiêm trọng là “có thể” áp dụng biện pháp tạm giam. Nhưng bị cáo Như, người bị xác định là chủ mưu lại được tại ngoại. Trong khi các bị cáo khác vẫn bị tạm giam. Đặc biệt, trong đó, có bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh, là người chưa thành niên, chủ động ra đầu thú, khai báo thành khẩn lại bị tạm giam.
Quả là quá bất thường và khó hiểu.
Đến đây, tôi lại nghĩ: Đằng sau những cái bất thường ấy, đằng sau những cái có thể ấy, là gì?
Một mặt, Luật của chúng ta có sự co dãn và chưa định lượng rõ ràng nên dùng từ “có thể”. Mà đã không rõ ràng thì sẽ áp dụng mỗi người một khác. Đã không rõ ràng sẽ là mảnh đất cho tiêu cực nảy sinh.
Mặt khác, đằng sau những cái “có thể” ấy, sẽ là những khoản tiền như các bị cáo khai nguyên CSGT Như đã đưa ra để họ nhận tội thay, và cũng có thể, đã đưa ra để làm nên cái bất thường? Xin lỗi độc giả, vì chính tôi cũng phải dùng chữ “có thể”. Nếu tôi không dùng chữ có thể, tôi đã là quan tòa để tuyên án.
Lại thêm những bất bình và bức xúc sau vụ việc này.