Họp lớp là cơ hội để gặp gỡ bạn đồng môn, hàn huyên, ôn lại chuyện cũ và chia sẻ những điều mới mẻ trong cuộc sống. Tuy nhiên, có hàng nghìn lẻ một lý do mọi người phải "khước từ" chuyện họp lớp mà trong đó có những lý do bi hài khiến người nghe ngao ngán. |
Họp lớp không chỉ là buổi liên hoan cùng bạn học cũ, nó còn là cuộc gặp gỡ để người trưởng thành hàn gắn lại những mảnh vỡ kí ức của một thời cắp sách tới trường. Nhưng bên cạnh những lý do "thiêng liêng" để sẵn sàng cho một buổi gặp mặt đầu xuân thì vẫn còn hàng nghìn sự cố xảy ra khiến nhiều người chấp nhận vắng mặt.
Không đi được vì sợ vợ ghen
Nguyễn Xuân Tùng, hiện đang là nhân viên kinh doanh truyền thông của công ty xây dựng tại Hà Nội lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi vợ cấm đi họp lớp chỉ vì ghen.
Sinh ra ở Lào Cai, 7 năm trước chàng trai bản lặn lội xuống Hà Nội theo học trường Kinh tế quốc dân. Vẻ ngoài điển trai lại hiền lành nên Tùng được “các chị em” sán lại làm quen. Theo học ngành Kiểm toán giữa một trời "Tây Vương nữ quốc", cái giá của anh chàng càng được thăng hạng. Nhưng Tùng chỉ học mà không màng chuyện yêu đương, cần mẫn ngày ngày đến trường rồi lại làm thêm cho quán cà phê gần phòng trọ để có tiền trang trải cuộc sống xa nhà.
Dù thuyết phục thế nào Tùng cũng không được vợ đồng ý cho đi hợp lớp chỉ vì ghen (ảnh minh họa)
Chàng trai nhà nghèo hiếu học nhanh chóng lọt vào mắt xanh cô lớp trưởng tên Ngọc. Ngọc chủ động tỏ tình nhưng Tùng không chấp nhận, câu chuyện nhanh chóng lan rộng khắp trường vì những lời xì xào, bàn tán. Không từ bỏ, suốt 4 năm đại học, Ngọc ân cần chăm sóc Tùng như một người bạn gái. Không thấy Tùng khoe người yêu nên ai cũng ngầm hiểu Ngọc chính là mối tình đầu của mỹ nam trong khóa.
Bốn năm đại học trôi qua, ra trường người đôn đáo xin việc, đứa vội lo chuyện chồng con, mỗi người một nơi nên chuyện họp lớp năm đầu đành gác lại.
Sau hai năm, những người bạn cũ mới có dịp tụ họp trong đám cưới của Tùng. Bất ngờ khi cô dâu không phải Ngọc mà là Trang- người học khóa sau cùng trường. Nhân dịp đông đủ bạn bè, Ngọc lên tiếng kêu gọi tổ chức họp lớp. Tùng và mọi người tán dương, rôm rả bàn với nhau trong tiệc cưới.
Học khóa dưới nên chuyện tình của chồng và cô bạn cùng lớp Trang dường như biết hết. Vốn có máu ghen trong người, chồng lại là tâm điểm để các chị em ngắm nghía, Trang vô cớ giận lây sang Tùng. Sau khi tiệc tan, Trang quát chồng vì nói chuyện “quá xôm” với người yêu cũ dù họ chỉ bàn chuyện họp lớp, gặp mặt nhau như thế nào. Cô giận dỗi bỏ đi ngay sau lễ cưới khiến anh chàng phải xuống nước nịnh vợ và đồng ý không tham gia họp lớp cùng hội bạn cũ.
Đúng như kế hoạch, vào ngày đầu năm Tết dương lịch, những người bạn sinh sống trên Hà Nội rủ nhau đi họp lớp, trong đó có cả Ngọc. Biết Trang sẽ giận nhưng bạn bè giục giã nhiều lần, Tùng đánh liều trốn vợ đi liên hoan.
Anh chàng chia sẻ: “Chắc đấy là lần cuối cùng mình gặp mặt đầy đủ mọi người như thế! Khi Trang biết được, cô ấy đã nổi trận lôi đình, làm ầm ĩ mọi chuyện lên suốt cả tuần. Một phần lỗi vì mình đã nói dối cô ấy nên phải chấp nhận thôi. Hiện tại, bạn học làm ăn ở nhiều nơi, số ít trụ lại đất Hà Nội, hiếm có dịp họp lớp đông đủ. Thế nhưng, mình cũng đành vắng mặt”.
Không đi họp lớp vì sinh toàn con gái
Khổ sở vì sinh hai cô công chúa cho dòng họ, Phạm Văn Thục lại muối mặt với bạn bè chuyện không có con trai nỗi dõi khi đi họp lớp.
Người con trưởng họ Phạm giờ đã là sếp lớn, tự hài lòng với cuộc sống viên mãn bên người trẻ đẹp và hai cô công chúa ngoan ngoãn.
Thế nhưng, ông bà ở quê vẫn trông ngóng một thằng cháu đích tôn sau này chăm việc thờ phụng khiến anh luôn bị áp lực về chuyện con cái. Có hai người con gái vốn là điều không mấy khuyến khích khi đảm nhận trách nhiệm trưởng họ. Khổ nỗi hai vợ chồng đều làm trong nhà nước nên việc “cố thêm thằng cu” là điều không thể. Mỗi dịp Tết đến thay vì cảm giác háo hức về quê, vợ chồng anh Thục lại chuẩn bị tinh thần cho màn tra khảo kế hoạch sinh con trai.
Vì không sinh được con trai nỗi dõi nên anh Thục quyết không đi họp lớp (ảnh minh họa)
Chuyện ông sếp nhà giàu ở Hà Nội không có con trai nối dõi như một sự thiệt thòi, đáng thương trong mắt người làng. Rồi đến buổi họp lớp cấp 3 cũng không tránh khỏi sự soi mói, dò xét. Oai nghiêm trước nghìn người nhưng khi gặp lại bạn cũ, anh Thục lại “bẽn lẽn” ngồi một chỗ, không dám lên tiếng vì sợ hỏi chuyện sinh con trai. Thỉnh thoảng có người gọi tên anh là anh biết họ sẽ chế diễu mình vì có “hai con vịt giời”.
Mấy ông bạn đồng niên “có nếp, có tẻ” đắc chí lắm, khoe con rôm rả khiến anh không khỏi chạnh lòng. Tan buổi liên hoan không nán lại cho những chương trình tiếp theo, anh phóng thẳng xe về nhà.
Bực bội vì lép vế trước bạn bè, ông chồng giận lây sang vợ để rồi lại ân hận. Anh nói: “Cái dại là thế đấy, chuyện con cái giờ trách sao được vợ. Trời cho mình thế nào mình hưởng vậy”.
Không muốn tạo áp lực trong người, anh quyết định không đi họp lớp nữa: “Tốt nhất là không nên đi khi cảm thấy khó chịu. Thời đại bây giờ tiện lắm, qua Facebook bạn bè vẫn có thể hỏi han, thăm nom nhau. Gặp mặt vẫn là hơn nhưng chuyện này khó nói lắm nên thôi. Bạn bè biết tính mình chắc cũng hiểu”.