Dân Việt

Nhớ một thời xe ngựa

Dạ Ngân (Trang Trại Việt) 31/12/2015 06:25 GMT+7
Sài Gòn thập niên sáu mươi của thế kỷ trước có rất nhiều xe ngựa. Bạn không tin ư? Cũng đúng thôi, vì có nhiều thứ bỗng dưng biến mất, không để lại dấu vết nào...

Những tuyến cho xe ngựa một thời tập trung ở mạn Đông và Bắc thành phố. Đơn giản vì đó là nơi phát tích của loại phương tiện này, ít sông ngòi cầu phà, đất pha cát mênh mông và nhìn đâu cũng thấy rừng cây công nghiệp hoặc cây tự nhiên. Những thập niên trước nữa, từ cầu Bình Triệu trở lên hoang vắng rừng già.

Không biết do đâu mà với người bản địa, xe ngựa một thời được họ gọi là xe thổ mộ. Cách gọi vừa thấy đất, vừa thấy hun hút làng quê, cây cối. Như mọi thứ xe chở khách, xà - ích thường chăm chút và trang trí cỗ xe của mình để có thể nhỉnh hơn xe bạn.

Ví như ván thùng xe luôn sạch bong, chiếu trải trên nền thùng là chiếu bông và rèm của thùng xe là vải hoa chẳng hạn. Nhưng những chú ngựa của họ mới đáng nói. Ngựa nâu, ngựa ô, ngựa bạch, đều tráng niên, bờm bóng, đuôi mượt. Một cỗ xe lam hay cỗ xích lô có thể ám bụi nhưng ngựa thì không. Bởi vì ngựa là bạn thiết, ngựa trung thành, ngựa lấy thân nuôi gia chủ, ngựa có tiếng hí, tiếng vó và có tâm hồn.

img

Sau năm 1975, tuyến Hóc Môn – Bà Điểm vẫn còn phong phú xe thổ mộ. Bạn vẫn không tin ư? Nghe mô tả đây nha. Vì sao tôi chọn tuyến Hóc Môn – Bà Điểm để hé cho bạn thấy ký ức của Sài Gòn? Là vì Bà Điểm – Hóc Môn vừa đặc sắc vừa là nơi gắn bó với tên tuổi liệt nữ Nguyễn Thị Minh Khai.

Đó là chuyến đi tôi hứa với lòng rằng sẽ thực hiện ngay sau khi đất nước hòa bình. Xe thổ mộ nội đô Sài Gòn tôi đi nhiều nhưng đi trong mùi trầu, hương cau thì chưa bao giờ. Vì vậy mà ngồi xe bus ở Xa cảng miền Tây để lên bến thổ mộ ở miền Đông và chọn một người xà-ích đáng tin cậy nhất. Quả nhiên chú ngựa của cỗ xe có bộ lông màu cánh gián đẫm mượt, chiếc chiếu bông nhà xe rất sạch và bên khung rèm là mười tám thôn vườn trầu trứ danh trong vở kịch “Người ven đô” lúc đó đang hot.

Làng quê êm đềm, những giếng nước kéo bằng gàu, những vườn trầu liên hồi bất tận, phía sau là những hàng cau chắc chắn sẽ mê hồn trong ánh trăng thanh. Đúng là một lần cho mãi mãi, sau đó thì không biết khi nào xe lam thống lĩnh và sau đó nữa là xe ôm, xe ta-xi và xe bus. Những chú ngựa về đâu, vào lò sát sinh sao?

Mãi mãi những tuyến thổ mộ nổi tiếng ấy đã đi vào dĩ vãng. Chừng như nó bắt đầu được phục hồi nhưng mà ở miền Tây chứ không phải miền Đông. Xe không mui, gần như xe ba-gác, người ta đặt hai băng ghế hai bên để khách ngồi. Những chú ngựa nhỏ xíu đáng thương đưa khách chỉ một đoạn ngắn từ bến tàu này đi sang một bến tàu khác. Ngồi chưa hết thích thì đường hết, khách bị thải xuống, tức tưởi. Vậy đó, du lịch chụp giật, sinh thái nghèo nàn, bãi ngựa hôi mù, xe cộ không được lau rửa kỹ. So với những chuyến thổ mộ có mui có rèm có chiếu bông xưa, bây giờ đạo đức kinh doanh xuống đáy, cũng như mọi thứ đang gần như chạm đáy ở xứ này.

Phải có đấu trường ngựa thì mới có ngựa giống, ngựa con và ngựa chọn. Phải có ngựa trước đã, ai cũng biết như vậy và Sài Gòn đã phục hồi lại Trường đua và mạn bắc người ta đã dựng lại ngày hội cho ngựa và nài ngựa có đất dụng võ. Có thế chứ.

Mãi băn khoăn sao những nơi chưa có đường nhựa hay là không thể có đường nhựa mà Nhà nước không giúp đỡ để cho xe ngựa một thời đã từng có mặt với muôn nhà và cho cả đồn biên phòng nữa tiếp tục "lăn bánh", đi thị sát, đi rừng, đi suối, đi học, đi chợ, đi chở, đi vui thú, đi tán tỉnh nhau. Ở những nơi đó, dùng ngựa không quá tiện à? Cuộc sống của con người nhất định sẽ vững hơn nếu như bên chân nhà sàn là một chú ngựa, bình yên đấy, nên thơ đấy mà cũng hữu dụng lắm đấy.