Chưa khử trùng… cấm vào trang trại
Vốn yêu thích công việc chăn nuôi, hơn 10 năm nay lão nông Lê Xuân Quang vẫn tỉ mỉ trong từng công đoạn chăm sóc vật nuôi. Ông Quang kể: “Năm 2005, với số vốn khởi điểm 300 triệu đồng, tôi thuê khu đất rộng gần 1ha tại thôn Thọ Lộc 2 để phát triển chăn nuôi.
Hồi đó tôi nuôi khoảng 200 heo thịt, 2 con bò sinh sản, 1.000 con vịt đẻ và 70 con gà, giờ đây đàn heo thịt trong trang trại của tôi đã tăng lên 1.500 con/lứa (2 lứa/năm), 600 con gà, 6 con bò sinh sản (xuất bán 3 con/ năm). Ngoài ra, tôi còn trồng 1ha keo lai, tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng hơn 500 triệu đồng/năm”.
Ông Quang chuẩn bị thiết bị sưởi ấm để nuôi lứa heo tiếp theo
Ngoài việc tiêm phòng vật nuôi theo định kỳ, ông Quang còn xây dựng hẳn phòng sát trùng dành cho những vị khách đến ghé thăm trang trại cũng như nhân công làm việc tại đây (gồm thuốc sát trùng, hố voi, đồ bảo hộ…).
“Việc khử trùng rất quan trọng, khi tiếp xúc trang trại thì phải tuân thủ luật, kể cả tôi cũng vậy. Môi trường sống không ô nhiễm thì vật nuôi mới tránh được mầm bệnh. Chứ để có bệnh mới chữa thì coi như mất đứt vốn liếng. Nhờ tuân thủ nghiêm quy định này mà hơn 10 năm chăn nuôi, tôi chưa bao giờ thua lỗ” - ông Quang cho hay.
Tạo sinh kế cho hộ nghèo
Theo ông Quang, để có đầu ra ổn định, nhiều năm nay ông đã phối hợp cùng Công ty CP Việt Nam phát triển đàn heo thịt với hơn 3.000 con/năm. Theo đó, trang trại của ông sẽ được hỗ trợ thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thuốc phòng trừ bệnh và được bao tiêu sản phẩm. Nhờ liên kết sản xuất với doanh nghiệp mà ông không lo ngại thua lỗ khi thị trường bấp bênh.
“Tôi chăn nuôi heo với quy mô lớn nên không dám làm liều. Khi có đầu ra ổn định thì mình nuôi không lo thị trường biến động. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn tận dụng 3 sào đất để trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi, nhờ vậy đã giảm được chi phí trong khâu thức ăn” - ông Quang chia sẻ.
Trang trại chăn nuôi của ông Quang có tổng doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm
Hiện, trang trại của ông Quang thuê 6-8 nhân công thường xuyên (3 triệu đồng/người/tháng) để giúp ông quán xuyến trang trại. Đa số những nhân công làm việc tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn và được ông Quang hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hết sức tỉ mỉ. Nhiều hộ nông dân khó khăn muốn học hỏi kinh nghiệm, ông Quang đều tận tình chia sẻ. Theo thống kê của Hội ND Bình Định, bình quân mỗi năm trang trại của ông Quang giúp đỡ được 1 hộ nông dân thoát nghèo.
Trao đổi với PV, ông Phan Hữu Vinh - Chủ tịch Hội ND xã Nhơn Thọ cho biết: “Trang trại của ông Lê Xuân Quang xa khu dân cư và đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ vậy việc chăn nuôi liên tục thu được kết quả cao. Không những giỏi làm ăn, ông Quang còn là người đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhiều năm liền ông Quang đạt được danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.