Ở miền Tây Nam bộ ngày trước có tập quán nuôi ca vồ trong các ao vườn. Cá vồ con hàng năm theo mùa nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông tràn về. Người dân vùng này dùng vợt lưới hớt cá con rồi bán cho các ghe chuyên chở. Các ghe này chở cá vồ con về tận các vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu để bán lại cho bà con nuôi thả. Cũng tập quán này mà người bình dân còn lưu truyền câu ca dao: “Chèo ghe đi bán cá vồ/ Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua”.
Con cá vồ.
Âm thanh của tiếng rao: “Ai mua cá vồ nuôi hôn?” như mãi còn in đậm trong ký ức vùng miền quê sông nước. Cá vồ nuôi trong ao lớn nhanh, người ta thường hay bắt cầu vệ sinh cho cả nhà sử dụng trên ao đó. Vừa tận dụng chất thải để nuôi cá, vừa làm sạch kênh rạch. Có điều, sau này, trước khi ăn cá vồ, người ta tát ao bắt cá sang ao khác. Ao này có chức năng rọng cá và lúc này chỉ cho cá trái bình bát chín hoặc cháo cám nấu. Cá vồ nuôi thường được dân gian có hai loại phổ biến: Cá vồ đém và cá vồ cờ, nhìn bề ngoài rất khó phân biệt cá vồ này với cá lăng, cá ba sa, ...
Tô canh chua cá vồ nấu trái giác.
Nhà có khách bất chừng, thiếu mồi nhậu, người ta chỉ cần ra ao câu cá hoặc kéo lưới là bắt được chúng. Cá vồ ngon phải chọn con cỡ vài ký, nhỏ quá thịt bở, ăn thua cả cá chốt. Cá vồ này đem chiên giòn, tả pín lù hoặc món canh chua cá vồ nấu trái giác đều “gắt củ kiệu ”.
Cá vùi tro bếp làm sạch nhớt, móc bỏ mang, ruột, rửa sạch, khứa thành khúc vừa ăn rồi để ráo. Ra vườn hái ít trái giác chín mọng, ít chùm bông so đũa đang lủng lẳng trên cây hay nhỏ vào cọng bông súng trong ao là có thể đầy đủ thứ cho nồi canh chua.
Bắc xong nước lên bếp, chờ sôi cho trái giác vào dầm nát lấy nước. Lược bỏ hột, trút nước màu tím này sang nồi khác. Chờ sôi lại thả cá vào vớt sạch bọt rồi thả rau bổi vào. Nêm nếm cho vừa ăn rồi nhắc xuống. Rắc thêm ít rau mùi và ớt hiểm xắt lát lên trên mặt tô canh nữa là ngon lành.
Canh chua cá vồ nấu trái giác, bông so đũa ăn nóng chấm muối hột, ớt hiểm dầm thì ăn cơm cũng ngon mà dùng lai rai vài chung rượu đế cay nồng cũng không kém phần hấp dẫn.