Cùng mấy chục cựu học sinh Quốc học và Đồng Khánh (Huế) đi từ Mỹ sang Canada, chúng tôi mải ngắm thác Niagara hùng vĩ, tối lúc nào không biết. Cả đoàn đói và tìm đến một tiệm ăn. Họ bảo ở đây chỉ thanh toán tiền mặt. Chẳng ai có một xu Canada. Thuyết phục mỏi cổ họ nhất quyết không chấp nhận dollar Mỹ (dù chỉ cách biên giới Mỹ mấy cây số). Đây là Canada thưa các vị! Đói meo nhưng đành phải đi cả mấy chục cây số mới có tiệm nhận thanh toán thẻ.
Các nước có chủ quyền đều thế, ở nước nào tiêu tiền nước đó. Bạn có tiền nước khác (gọi là ngoại tệ) ư, tốt thôi, tài sản của bạn nhưng muốn chi tiêu hãy đổi sang (tức là bán ngoại tệ của bạn và mua) đồng tiền của chúng tôi. Việc đổi tiền như vậy do nhiều công ty được cấp phép tiến hành với rất nhiều điểm đổi thuận tiện.
Nếu thấy tỷ giá mua (tức là 1 đồng tiền nước ngoài đổi được bao nhiêu tiền trong nước) bạn có thể đổi và họ ghi lại số hộ chiếu của bạn, số tiền mà bạn đổi vào hệ thống quản lý thống nhất; bạn có thể đổi ngược lại (họ bán ngoại tệ cho bạn) nếu bạn chấp nhận tỷ giá bán. Người kinh doanh sống được nhờ chênh lệch tỷ giá bán và mua. Tỷ giá có thể khác nhau ở mỗi quầy đổi.
Nôm na chính sách ngoại hối của một quốc gia liên quan đến các quy định về việc trao đổi các đồng tiền khác nhau với đồng nội tệ trên lãnh thổ quốc gia đó (thường do các ngân hàng và các tổ chức khác được phép tiến hành). Không quốc gia có chủ quyền nào cho phép sử dụng đồng tiền nước khác làm phương tiện thanh toán và đều có chính sách ngoại hối thích hợp.
Một thời nền kinh tế Việt Nam bị vàng hóa và dollar hóa mạnh (người ta chấp nhận thanh toán bằng vàng, dollar, thậm chí cho phép và khuyến khích các ngân hàng nhận tiết kiệm bằng vàng và ngoại tệ). Trong lúc thiếu vốn trầm trọng chính sách “nới lỏng” như vậy có thể tốt, nhưng nó có hậu quả khôn lường. Và chính sách chống vàng hóa dollar hóa nền kinh tế là chính sách đúng.
Người dân có vàng, có dollar, không sao, các tài sản đó là của họ. Họ có thể mang theo người hay để ở nhà (với rủi ro bị mất cắp, bị cháy). An toàn hơn họ có thể gửi tài sản đó vào ngân hàng và ngân hàng thu phí giữ hộ. Đó là điều bình thường, nên không có gì đáng lo với phát biểu gần đây của ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Nếu họ không thích tự giữ hay nhờ ngân hàng giữ hộ, họ có thể bán cho ngân hàng lấy tiền đồng Việt Nam để làm phương tiện thanh toán, gửi tiết kiệm lấy lãi hay đầu tư. Làm sao cho ít rủi ro nhất, lợi nhất đó là quyết định của mỗi người, mỗi doanh nghiệp và việc để ý đến chính sách ngoại hối và tỷ giá là rất quan trọng.
Nhìn thế thì thấy chính sách chống vàng hóa và dollar (hay nhân dân tệ) hóa là chính sách nên ủng hộ.
Chính sách tỷ giá điều chỉnh tỷ giá giữa đồng tiền trong nước với các đồng tiền khác. Trong nền kinh tế thị trường tỷ giá phải để cho thị trường điều tiết, nhưng không có ngân hàng trung ương nào không can thiệp. Ở các nước có nền kinh tế thị trường thật, các ngân hàng trung ương là các cơ quan độc lập, không lệ thuộc vào cơ quan hành pháp, và chúng điều tiết tỷ giá chỉ vì mục đích giữ ổn định và phát triển nền kinh tế (trong tầm ngắn, trung và dài hạn) chứ không phục vụ các mục tiêu chính trị thường nhật của chính phủ.
Ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đóng vai trò ngân hàng trung ương vừa là một cơ quan chính phủ vì thế chính sách tỷ giá bị chính trị ảnh hưởng quá nhiều. Theo nhiều chuyên gia, đồng Việt Nam được định giá ở mức cao so với các đồng tiền khác và điều đó không có lợi cho sự phát triển kinh tế, phải để cho thị trường có tiếng nói nhiều hơn. Nhưng hạ giá VNĐ có thể làm tăng gánh nặng nợ công và nhiều hệ lụy khác. Và như thế cần có tranh luận công khai, văn minh về vấn đề này.