Dân Việt

Hội nâng tầm cùng nông dân hội nhập thành công

Là đại diện của giai cấp nông dân - giai cấp chủ lực, đông đảo trong xã hội, Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) cũng phải chủ động nâng cao vai trò, vị trí, năng lực, nguồn lực để đủ sức, đủ tầm đồng hành với ND trên con đường hội nhập...

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Hội nhập, tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có khu vực nông nghiệp, ND và nông thôn.

Chưa có thời kỳ nào, khu vực này lại đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời cũng phải đối diện, giải quyết những thách thức cam go do tác động của hội nhập và tự do hóa thương mại như hiện nay.

Chuyển mình theo đất nước

Có thể khẳng định, quá trình hội nhập của Việt Nam có động lực mạnh mẽ từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ hơn 30 năm trước trong đó đổi mới về quản lý, điều hành phát triển nông nghiệp, lãnh đạo ND, xây dựng và phát triển nông thôn tạo được những thành tựu to lớn, vững chắc.

Cùng với nhịp đập của đất nước thời kỳ đổi mới, hoạt động của Hội NDVN cũng chuyển mình theo hướng thiết thực, hiệu quả và được kế thừa qua nhiều kỳ đại hội. Nhiệm kỳ Đại hội III, Hội NDVN (1998-2003) đã xác định rõ hơn, cụ thể hơn vai trò, nhiệm vụ của mình. Đó là bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết thu hút hội viên, Hội NDVN còn tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND. Nhiệm vụ này đã được Hội NDVN cụ thể hóa bằng Đề án 460-ĐA/HND ngày 20.9.1999.

img

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng (phải) và Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015.  Ảnh:   Lê Hữu Thọ

Đề án 460 đã tạo cơ sở thực tiễn, động lực để Hội NDVN các cấp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xác định lấy lợi ích thiết thực của hội viên làm mục đích để triển khai các nhiệm vụ, tổ chức các phong trào thi đua trong ND. Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND như tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND)…

Tuy có nhiều nỗ lực, song hoạt động của Hội NDVN từ Đại hội III trở về trước chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động “chay”, hoạt động hỗ trợ dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết của hội viên, ND về vốn, vật tư, máy móc, kiến thức, kỹ năng sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ nông sản phẩm.

Từ Đại hội IV (2003-2008) trở đi, hoạt động của Hội NDVN có sự đổi mới căn bản. Công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp hội viên, ND gắn liền với các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần giúp ND phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, ND…

 Những kết quả trong nhiệm kỳ Đại hội IV đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để hoạt động Hội NDVN thực sự có bước phát triển lớn mạnh cả về năng lực, nguồn lực trong nhiệm kỳ Đại hội V (2008-2013) và nhiệm kỳ Đại hội VI (2013-2018). Trong nhiệm kỳ 2008-2013 và nửa nhiệm kỳ 2013-2018, không chỉ Hội NDVN mở rộng về quy mô, chất lượng các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho ND mà các mối quan hệ hợp tác giữa Hội NDVN và các bộ, ngành trong nước và các tổ chức quốc tế cũng được mở rộng…

Cùng nông dân hội nhập

"Để thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế, Hội NDVN phải tổ chức, tập hợp nông dân dựa trên một số hoạt động kinh tế chứ không thể thuần túy tập hợp ND bằng cách tuyên truyền, giáo dục  suông...”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phát biểu tại buổi làm việc với Hội NDVN ngày 2.12.2015) 

Sau khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đến nay Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, khu vực lớn trên thế giới; tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC năm 2015, tiến tới ký hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP. Thách thức, áp lực hội nhập là rất lớn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, ND.

Như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo tại buổi làm việc với Hội NDVN ngày 2.12.2015: ”Để thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế, Hội NDVN phải tổ chức, tập hợp ND dựa trên một số hoạt động kinh tế chứ không thể thuần túy tập hợp ND bằng cách tuyên truyền, giáo dục  suông...”.

Để hội nhập thành công, Hội NDVN, giai cấp NDVN phải được tăng cường về năng lực, nguồn lực và phải có giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện sát với thực tiễn. Hội nhập thành công chính là hỗ trợ ND tranh thủ được cơ hội, vượt qua thách thức. Giải quyết những thách thức chính là khắc phục những yếu kém hiện nay trong nông nghiệp, những hạn chế còn tồn tại của người ND và tổ chức Hội NDVN. Để làm được điều đó, Hội NDVN sẽ tập trung vào mấy vấn đề sau:

Một là: Tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Kết luận 61 của Ban Bí thư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua đó tạo thêm nguồn lực, tăng năng lực để các cấp Hội NDVN đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động thích ứng với môi trường hội nhập. Việc thực hiện Kết luận 61, Quyết định 673 còn tạo điều kiện quan trọng để Hội NDVN tăng cường hoạt động hỗ trợ ND cả về chất lượng và số lượng, trong đó quan trọng là dịch vụ về vốn tín dụng, kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề, kỹ năng.

Hai là: Muốn hội nhập thành công, người ND phải có đủ năng lực. Năng lực của người ND phải thể hiện ở tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, quyết tâm mới và có đời sống văn hóa mới. Để góp phần nâng cao năng lực cho ND, Hội NDVN sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Xây dựng hình mẫu người nông dân mới”; đề xuất, kiến nghị đưa những tiêu chuẩn về người ND mới vào trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hội nhập thành công, xây dựng nông thôn mới không thể thiếu người ND mới.

Ba là: Hội NDVN các cấp tham gia có hiệu quả vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng và khó khăn mà Hội NDVN phải thực hiện- đó là tuyên truyền, tập hợp, hướng dẫn, hỗ trợ ND tổ chức lại sản xuất. Hội nhập không thể thành công, nông sản của Việt Nam khó có thể cạnh tranh khi nông nghiệp vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, chất lượng thấp, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trước mắt, Hội NDVN sẽ tập trung các giải pháp giúp ND liên kết trong sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ, nhóm ND, tổ hợp tác, hợp tác xã... Thông qua các mô hình này, ND sản xuất nông sản hàng hóa áp dụng cùng 1 quy trình kỹ thuật, cho ra sản phẩm đồng nhất về chủng loại, kích cỡ, đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bốn là: Khoa học công nghệ là 1 trong 3 trụ cột then chốt để đảm bảo nông nghiệp Việt Nam hội nhập thành công. Hội NDVN sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao, dạy nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất của ND. Hội NDVN đang hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản xây dựng thí điểm một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất... 

Thông qua những mô hình như vậy, Hội NDVN và các đối tác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, mô hình kinh tế tập thể của ND tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, nông sản có thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và các thị trường khó tính trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do...

Năm là: Hội NDVN tăng cường các hoạt động hợp tác, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nước; mở rộng hoạt động quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực; tranh thủ nguồn lực để hỗ trợ nông dân (hiện Hội NDVN có quan hệ hợp tác với 40 tổ chức ND, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới). Trước mắt Hội sẽ thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với Hội ND Cộng hòa Liên bang Đức trong việc đưa ND giỏi của Việt Nam sang học tập ngắn hạn tại các trang trại của nước Đức; tổ chức các đoàn cán bộ, ND đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài (hiện nay đã có 8 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách hỗ trợ để đưa ND đi nước ngoài tham quan, học tập).

Việc tăng cường mở rộng hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước còn góp phần gia tăng tiếng nói của Hội NDVN trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NDVN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng, tính chất các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng phức tạp...

Sáu là: Tiếp tục chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội NDVN các cấp đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh vững vàng, có hiểu biết căn bản về kiến thức hội nhập. Trước mắt tập trung vào thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2016-2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20.11.2015... 

Mở rộng mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến


Hội NDVN đang hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản xây dựng thí điểm một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Bước đầu đã có những kết quả khả quan. Tới đây, cùng với các đối tác, Hội NDVN sẽ mở rộng mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến này sang các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác, trước mắt sẽ là những ngành, hàng nông nghiệp có thế mạnh như nuôi tôm, cá da trơn, trồng rau, củ, quả thực phẩm cao cấp, hoặc ngành, hàng đang có nguy cơ ”thua” khi phải cạnh tranh trong hội nhập như chăn nuôi lợn, gà, bò thịt, bò sữa...