Bất cứ ai cũng muốn được ở bên gia đình vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới bởi, đó là thời khắc thiêng liêng, mọi người cùng gạt bỏ sầu lo đã qua và hy vọng vào những điều tốt đẹp sắp đến. Nhưng, không phải ai cũng có được giây phút hạnh phúc đó vì gia đình ly tán mỗi người một nơi, giống như câu chuyện của cô gái Hưng Yên vừa được cộng đồng mạng biết đến gần đây.
Trên Facebook cá nhân, vào đúng ngày mùng 1.2016, Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ câu chuyện đẫm nước mắt về hoàn cảnh gia đình éo le cũng như sự tủi thân của mình khi không được hưởng không khí sum vầy, ấm áp cùng cả cha lẫn mẹ trong ngày đầu năm.
Cô gái trẻ đăng tải dòng tâm sự buồn cùng hình ảnh đang khóc khiến nhiều người thương xót
“Tôi rất ít khi lên Facebook viết về gia đình, nhưng hôm nay, tôi viết. Tôi viết không phải dành cho các bạn mà là dành cho chính bản thân tôi, cho nhẹ tấm lòng của mình”, cô gái trẻ mở lời.
Đã 6 năm ròng, Hồng Nhung cùng các anh không được đón năm mới trong không khí vui vẻ, đầm ấm của gia đình vì cha mẹ ly hôn. Đó cũng là 6 năm, Tết với cô là nước mắt, sự tủi thân và không khí ảm đạm, lạnh lẽo.
Cô gái trẻ chia sẻ, luôn thèm cảm giác được bố mẹ lì xì, được ăn những bữa cơm đầy ắp tiếng cười, được chăm lo và hưởng tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ. Nhìn những gia đình khác sum vầy trong ngày đầu xuân, năm mới, cô vừa tủi thân vừa tuyệt vọng.
Dù thương cha mẹ rất nhiều nhưng Hồng Nhung lại tự cho phép bản thân ích kỷ không muốn cha mẹ đi thêm bước nữa. Bởi, cô lo sợ “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” và “Trời mưa bong bóng phập phòng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Thay vào đó, suốt 6 năm qua, Hồng Nhung luôn mong muốn cha mẹ tái hôn để cô và các anh có được một mái ấm đủ đầy, hạnh phúc.
Hồng Nhung, cô gái trẻ mơ ước có một gia đình êm ấm
“Bố mẹ về với nhau đi để bọn con được nở những nụ cười thật tươi, bố mẹ nhé. Điều ước của con, năm nào cũng vậy. Bố mẹ đừng đề cao lòng tự trọng của mình nữa có được không? Gạt nó đi, chúng con cần có một gia đình”, Hồng Nhung chia sẻ.
Câu chuyện đẫm nước mắt và ước muốn giản dị của cô gái Hưng Yên đã thu hút hơn 50.000 lượt like (thích) và hàng nghìn lượt chia sẻ. Đông đảo cộng đồng mạng đã để lại những bình luận xúc động, đồng cảm với hoàn cảnh của cô gái.
Nick name Nguyễn Thúy viết: “Cháu gái! Dù không phải là người trong gia đình cháu nhưng đọc những dòng tâm sự này, cô thương cháu vô cùng. Nín đi cháu, đừng khóc, mạnh mẽ lên rồi mọi chuyện sẽ qua. Người lớn bao giờ cũng có lý do của riêng họ, cháu cũng có nỗi khổ tâm của riêng cháu. Cô tin là khi bố mẹ đọc được những dòng chữ này sẽ bình tâm suy nghĩ lại về quyết định của mình. Chúc cháu và gia đình năm mới sớm đoàn tụ”.
Chúng tôi đã liên hệ với Trần Thị Hồng Nhung (sinh năm 1995, Hưng Yên) để nghe cô gái chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện của mình. Hồng Nhung cho biết, bố mẹ cô đã ly hôn được 6 năm, là con gái út trong nhà cô chấp nhận đi lại, luân phiên ở với bố mẹ mỗi người ba tháng để giúp hai người vợi bớt cô đơn.
“Nhà mình có ba anh em, anh trai cả đã có gia đình, anh thứ hai đi làm xa nhà, còn mình là út, đang làm công nhân may ở Hưng Yên. Mỗi năm Tết đến, nhìn gia đình khác sum vầy, mình tủi thân và ghen tị lắm. Tết đến, mình thường chân đi chân lại, đón Tết ở cả hai nhà vì không muốn ai phải lủi thủi một mình mà bản thân mình cũng cần có cả bố và mẹ. Suốt 6 năm trời như vậy, anh em mình cũng nhiều lần khuyên bố mẹ tái hợp nhưng đều không có kết quả, có lẽ bố mẹ mình không có duyên phận với nhau”, Hồng Nhung chia sẻ.
Chia sẻ câu chuyện của mình, Hồng Nhung muốn tất cả các ông bố bà mẹ thấu hiểu rằng, với con cái, sự hòa hợp của cha mẹ rất quan trọng, từ đó biết nâng niu, trân trọng gia đình hơn.
Trích dẫn tâm sự đẫm nước mắt của cô gái Hưng Yên:
Bố mẹ à! Con gái bố mẹ khóc từ chiều rồi đấy. Con đau, con buồn bố mẹ ạ. Các bạn đừng “gạch đá tôi”, đã khóc còn tự sướng. Tôi chụp là có lý do của riêng tôi, cả gia đình nhà tôi chơi Facebook đó. Gia đình nhà bạn có chơi Facebook không. Gia đình bạn có tan nát như gia đình nhà tôi không? Tôi rất ít khi lên Facebook viết về gia đình nhưng hôm nay tôi viết. Tôi viết không phải dành cho các bạn mà tôi viết cho tôi, cho nhẹ tấm lòng của mình. Đơn giản chỉ vậy thôi. 1/1/2016 Gửi bố mẹ thân yêu của con: Bố mẹ à! Con nhớ lắm. Nhớ những cái Tết mà con với 2 anh được hưởng sự vui vẻ, đầm ấm. Con thấy hạnh phúc khi được đón Giao thừa, đón năm mới cùng với bố mẹ, được bố mẹ lì xì. Con nhớ. Nhớ những bữa cơm đầy ắp tiếng cười nhưng giờ đây mọi thứ xa vời quá. Thời gian trôi nhanh bố mẹ nhỉ? Lại sắp Tết nữa rồi. Bố mẹ xa nhau cũng được 6 năm rồi đấy và cũng sắp 6 cái Tết bọn con “được” đón Tết trong sự tủi thân, trong nước mắt và trong sự ghen tị với gia đình nhà người ta. Bố mẹ à! Nhìn gia đình nhà người ta đón Tết kìa. Gia đình họ sum họp đầy đủ, hạnh phúc bố mẹ nhỉ ? Bố mẹ nhìn lại gia đình nhà mình xem, lạnh lẽo, ảm đạm quá. Bố mẹ ơi! Con muốn, muốn đón những cái Tết như nhà người ta, muốn được bố mẹ chăm lo, con chỉ cần như vậy thôi, liệu có được không bố mẹ? Con gái của bố mẹ giờ lớn rồi, suy nghĩ cũng chín chắn lên rất nhiều. Đôi khi muốn ngồi nói chuyện với bố mẹ nhưng cổ họng con nghẹn ứ, không nói được gì bố mẹ ạ. Con đau trong tim lắm, khóc hoài, khóc mãi cũng không dịu được nỗi đau đó. Con không muốn bố mẹ đi thêm bước nữa đâu. Cả cuộc đời này của con, con chỉ có mình bố là bố, mình mẹ là mẹ thôi. Con không chấp nhận thêm bất cứ một người nào khác chạm vào mái ấm của con. Bố à! Năm nay bố 51tuổi rồi. Con cũng đã thấy những sợi tóc bạc trên mái tóc của bố. Con là con gái, cũng ko đủ dũng cảm để tâm sự với bố nhiều. Con biết, bố rất yêu thương con. Tuy bố không bao giờ nói ra nhưng con cảm nhận được. Con gái cũng thương bố nhiều lắm, thương bố những buổi đi làm vất vả, thương bố những lúc ốm đau thui thủi một mình, ăn cơm một mình. Con thương bố lắm bố ạ! Bố đã hy sinh rất nhiều cho các con. Bố vẫn luôn là một người bố tuyệt vời. Bố thương con gái thì bố đón mẹ về đi bố. Con muốn có một mái ấm, một gia đình có cả bố và mẹ. Bố đừng đi thêm bước nữa bố nha. Người ta bảo, mấy đời dì ghẻ lại đi thương con chồng. Bố cũng biết điều đó bố nhỉ? Theo thời gian, bố cũng già đi, cần người chăm sóc. Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Bố đón mẹ về đi rồi gia đình mình cùng đón cái Tết sắp tới bằng những nụ cười thật tươi. Có được không bố? Mẹ à! Năm nay mẹ cũng 46 tuổi rồi. Tóc mẹ con cũng đã thấy những sợi bạc. Bạc vì lo nghĩ, bươn trải trong cuộc sống. Bạc vì thương các con không có một gia đình đầm ấm. Mẹ hay khóc đêm lắm, con biết mà. Mẹ đừng cố giấu nỗi đau nữa. Nghe tiếng mẹ khóc đêm, con đau lắm. Mẹ cũng đừng đi thêm bước nữa mẹ nhé. “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Thực sự con không muốn. Con không muốn đâu. Mẹ về chăm bố đi, chăm cho bé Mai và cu Bi đi mẹ. Con nhớ mẹ, cháu nhớ bà. Gần 6 năm rồi. Bố mẹ xa nhau như vậy là đủ rồi, các con đau khổ, tủi thân như vậy cũng đủ rồi bố mẹ ạ! Xưa bố mẹ ly hôn, bố sai, mẹ cũng chả đúng. Chẳng ai đúng cả. Nhà tan, cửa nát, bố mẹ đau khổ, các con tổn thương. Chẳng ai là người hoàn hảo, ai cũng có thời mắc sai lầm. Con biết, bố mẹ vẫn còn thương nhau. 6 năm rồi, chắc bố mẹ cũng hiểu được mình cần một mái ấm gia đình chứ ạ? Bố mẹ cần có người chăm lo, các con thì cần sự quan tâm từ bố mẹ. Bố mẹ về với nhau đi để bọn con được nở nụ cười thật tươi, bố mẹ nhé. Điều ước của con, năm nào con cũng ước như vậy. Đi chùa nào con cũng cầu như vậy vì con chỉ cần như vậy thôi. Bố mẹ đừng đề cao lòng tự trọng của mình nữa có được không ạ? Gạt nó đi. Chúng con cần có một GIA ĐÌNH. Giờ con và anh Hiệp cũng lớn, rồi cũng phải xây dựng gia đình. Bố mẹ còn nhớ đám cưới a Linh chứ? Bố mẹ có thấy đám cưới đó vui không? Bố tổ chức đám cưới cho anh, còn mẹ chỉ có quyền đến dự như một người khách. Con thấy tủi thân lắm. Anh Linh còn tủi thân hơn. Con ko muốn sau này, con và anh Hiệp lặp lại cái cảnh như vậy. Chúng con cần một cái đám cưới như nhà người ta kìa, có đầy đủ cả bố lẫn mẹ, được bố mẹ cùng lo cho, được bố mẹ cùng chúc phúc cho, được cả họ hàng hai bên nội ngoại tham dự nữa. Gia đình mình có thể đầm ấm bên nhau như ngày xưa được không bố mẹ? |