Dân Việt

Loại khí độc chết người CO, nhìn từ vụ tai nạn lò vôi ở Thanh Hóa

Minh Yến (thực hiện) 03/01/2016 17:30 GMT+7
Xung quanh tai nạn lao động thương tâm, 8 người chết trong khu lò vôi tại Thanh Hóa do ngộ độc khí CO ngày 1.1 vừa qua, NTNN đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Phạm Phương Thảo – Giảng viên bộ môn Hóa học (Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội) nhằm cung cấp đến bạn đọc các thông tin cần biết về khí CO – loại khí chết người.

Khí CO có tác hại như thế nào đến sức khỏe con người, thưa bà?

Để duy trì sự sống trong cơ thể, Hemoglobin (có trong hồng cầu) sẽ vận chuyển oxy trong máu. Khi con người hít phải khí CO (tên khoa học đầy đủ là Cacbonmônôxít), khí này sẽ đi vào máu. Chúng ngay lập tức phản ứng với Hemoglobin tạo thành một cấu trúc bền vững nhưng không có khả năng tải oxy khiến lượng oxy trong máu giảm, gây tử vong. Mặt khác, CO còn có khả năng gây tổn thương tim.

Điều đáng lo ngại là ngộ độc CO gây tác động từ từ nên bản thân nạn nhân cũng khó phát hiện. Đến khi biết được mình nhiễm động thì đã không còn khả năng cầu cứu hoặc đã hôn mê.

Khí CO sinh ra từ đâu?

CO là một chất khí không màu, không mùi được sản sinh ra trong sự cháy không hoàn toàn của cácbon và các hợp chất chứa cácbon. Nói một cách nôm na, CO được sinh ra khi chúng ta đốt cháy các cacbon và các hợp chất chứa cácbon trong điều kiện không đủ oxy. Chẳng hạn, trong vụ 8 người chết trong khu lò vôi - tai nạn lò vôi ở Thanh Hóa vừa qua, có thể do hố lò vôi sâu, lượng oxy vào ít nên khi nung sẽ sản sinh ra nhiều CO,  vượt mức cho phép, gây ngộ độc. Cũng tương tự cơ chế đó, với các trường hợp như sử dụng bếp than tổ ong, đốt than đá, đốt lò gạch… cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO.

Vậy làm cách nào có thể phát hiện ra khí CO và xử lý như thế nào trong trường hợp có nguy cơ bị ngạt vì CO?

Như tôi đã nói ở trên, CO là một khí không màu, không mùi. Trong trường hợp cụ thể như vụ việc ở lò nung vôi vừa qua, trước khi xuống ứng cứu, chúng ta có thể dung cành cây tươi khua vào miệng hố.

Thứ nhất để kiểm tra lượng CO, lượng CO càng nhiều, cành cây càng héo. Còn về việc xử lý, trong các trường hợp không khí có quá nhiều CO, cách duy nhất và hữu hiệu nhất là cung cấp oxy vào càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Với người nghi bị ngộ độc CO, phải làm cách nào an toàn đưa họ ra khỏi môi trường khói độc ra nơi nhiều oxy (Tôi hết sức lưu ý phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả người cấp cứu). Nếu thấy bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải thổi ngạt, hô hấp nhân tạo ngay.

Bà có khuyến cáo gì xung quanh vấn đề này?

Ngộ độc khí CO là tai nạn rất dễ sảy ra trong các hoạt động hàng ngày và thực tế đã có rất nhiều người tử vong vì nguyên nhân này.

Để hạn chế nó, trong tất cả các trường hợp đốt lò than, nung vôi, đố lò gạch… cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình để đảm bảo cung cấp đủ oxy và kiểm soát ngưỡng CO cho phép. Đặc biệt, với các trường hợp ứng cứu người bị ngạt khí, cần phải có đủ kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.

Xin cảm ơn bà!