Không giảm mà còn tăng
Theo khảo sát của PV ngày 4.1 tại các chợ đầu mối, chợ Mơ, chợ Dịch Vọng...giá các loại thực phẩm vẫn giữ nguyên, không có dấu hiệu giảm xuống, thậm chí một số mặt hàng lại có chiều hướng tăng lên.
Cụ thể, giá thịt bò vẫn ở mức từ 230.000-250.000 đồng/kg (có chiều hướng tăng nhẹ thêm 10.000 đồng/kg), giá gà ta từ 120.000-140.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000-110.000 đồng/kg. Giá trứng gà ta ở mức 30.000 đồng/chục.
Xăng dầu giảm giá liên tục, giá thực phẩm vẫn..."đứng yên" ( Ảnh: Hồng Liên)
Trong khi đó, tại các chợ truyền thống của Hà Nội như: Thái Hà, Thái Thịnh, Thành Công… giá thịt mông ở mức 80.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ở mức 90.000 đồng/kg, xương sườn có giá 100.000 đồng/kg. Thịt bò cũng ở mức từ 230.000-250.000 đồng/kg, tùy từng loại, giá gà ta cũng từ 120.000-140.000 đồng/kg. Giá các loại hải sản, tôm, cá... thì vẫn được duy trì từ trước.
Các mặt hàng rau, củ, quả... rau cải xoong vẫn giữ nguyên mức 5.000 đồng/mớ, rau muống tăng lên 8.000 đồng/mớ, rau mồng tơi ở nguyên mức 4.000 đồng/mớ, cải ngồng giảm xuống còn 12.000 đồng/kg từ 20.000 đồng/kg trước đó, bí ngô giữ mức 15.000 đồng/kg, cà chua vẫn ở mức giá cao là 18.000 đồng/kg, cà tím giữ nguyên mức 15.000 đồng/kg, chanh ở mức giá 25.000 đồng/kg, khoai tây ở mức 17.000 đồng/kg, khoai lang 27.000 đồng/kg, khoai môn lên tới 30.000 đồng/kg. Các loại rau thơm, xà lách... tăng nhẹ lên 40.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, giá bán các loại thực phẩm hiện vẫn định theo giá niêm yết từ trước nên không có nhiều thay đổi. Duy chỉ có trong các đợt khuyến mại vào dịp lễ tết thì siêu thị giảm giá nhiều mặt hàng.
Giá xăng dầu không ảnh hưởng đến thực phẩm
Khi được hỏi tại sao trong số nhiều loại rau, có loại giữ nguyên mức giá nhưng có loại lại tăng, chị Thu - một tiểu thương bán rau tại chợ Thái Hà - cho biết: "Những loại rau, củ tăng giá như rau muống, xà lách... là do mùa lạnh, những loại rau này ít hơn, nguồn cung giảm trong khi nhu cầu từ người tiêu dùng thì nhiều. Còn như rau cải cúc, mùa này rất nhiều nên giá ở mức vừa phải, chỉ 3.000 đồng/mớ. Hơn nữa, đây là dịp nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, đặc biệt là các loại rau củ quả".
Khi đề cập đến việc giá xăng giảm mà sao giá các loại thực phẩm, rau, củ, quả không giảm, chị Yến, một tiểu thương tại chợ Mơ, cho hay: "Giá xăng dầu giảm thực tế không ảnh hưởng gì đến giá các mặt hàng thực phẩm hay rau, củ vì giá cước vận chuyển vẫn giữ nguyên, niêm yết từ trước nên giá xăng dầu có giảm thì cũng không ảnh hưởng gì cả".
Còn theo ý kiến của một số tiểu thương khác tại chợ Dịch Vọng, nếu giảm giá các loại thực phẩm, rau, củ, quả bây giờ sẽ lỗ vốn.
Trước đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, giá xăng giảm liên tục mà cước vận tải vẫn chưa giảm ngay là khó chấp nhận. Còn với các mặt hàng tiêu dùng, muốn giảm giá thì vấn đề ở khâu phân phối trung gian hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, phải làm tốt khâu phân phối, trong đó cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian; phải kết nối doanh nghiệp sản xuất và cung ứng để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất.
Thêm vào đó, ông Phú cũng đề xuất, các cơ quan chức năng cần phải làm mạnh tay hơn với các đơn vị, doanh nghiệp chây ì giảm giá, giảm cước. Cơ quan quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường, đặc biệt trong dịp lễ Tết…