Dân Việt

Chiết khấu “hoa hồng” sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới 30%

Thanh Xuân 05/01/2016 19:27 GMT+7
Đó là thông tin được ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) công bố tại cuộc họp báo của Bộ NNPTNT cuối giờ chiều nay 5.1.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, đoàn thanh tra liên ngành của Tổng cục Thủy sản có đại diện của 5 bộ bao gồm Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Bộ Công An, Bộ Tài Chính và Bộ KHĐT để kiểm tra 7 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo đó, có 7 “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất TACN có trong danh sách kiểm tra vừa qua bao gồm: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam,  Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, Công ty TNHH Grobest Việt Nam, Công ty TNHH Cargii Việt Nam, Công ty TNHH TongWei Việt Nam, Công ty TNHH Guyomarc'h Việt Nam và Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long.  

Nội dung kiểm tra tập trung vào vấn đề chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hiện tượng “bắt tay” nhau thao túng giá thức ăn chăn nuôi; kiểm tra tình trạng chuyển giá, gửi giá về công ty mẹ để báo lỗ…

Kết quả kiểm tra 7 “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất TACN cho thấy: Không phát hiện chất cấm và tình trạng thao túng giá thức ăn chăn nuôi. Thậm chí, ngay cả cùng doanh nghiệp của Đài Loan nhưng cũng có hiện tượng cạnh tranh lẫn nhau.

Tuy nhiên, kết quả của đoàn kiểm tra cũng cho thấy, có hiện tượng chiết khấu “hoa hồng” quá lớn, chiếm 20 – 30% dẫn tới giá TACN cũng bị đẩy lên cao. Có đại lý của các doanh nghiệp này chỉ bán vài chục tấn TACN cho khách hàng mà mỗi năm tổ chức hội nghị khách hàng rất hoành tráng và tặng cả xe ô tô  Camry hàng tỷ đồng cho khách hàng, từ đó cho thấy chiết khấu “hoa hồng” của lĩnh vực chăn nuôi là rất cao.

img

Theo Số liệu từ Hiệp hội TACN Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 nhà máy còn lại là thuộc doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp FDI. Mặc dù số lượng nhà máy liên doanh và FDI không nhiều nhưng lại đang chiếm 60-65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra.

Ngược lại, khối tư nhân và khối nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhưng lại chỉ chiếm 35-40% trong tổng sản lượng. Trong đó, doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%; xếp sau lần lượt là các doanh nghiệp như Proconco (8%); Green Feed (5%); Anco (4%)... Như vậy, chỉ riêng hai công ty đầu ngành CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị trường TACN của cả nước.

Điều khiến cho nhiều người chăn nuôi lo lắng là giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang cao so với nhiều nước trong khu vực. Có thể do các doanh nghiệp FDI “bắt tay” nhau thao túng thị trường và chiết khấu “hoa hồng” cao nhưng trong đợt kiểm tra này, các cơ quan chức năng chỉ mới phát hiện được hiện tượng triết khấu của các công ty sản xuất TACN chiết khấu “hoa hồng” cao.

Trong năm 2016, đại diện của Bộ NNPTNT cũng khẳng định sẽ tiếp tục tập trung vào thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt sẽ tiếp tục tập trung vào kiểm tra vấn đề chất cấm trong chăn nuôi.