Dân Việt

Thủ đoạn "đánh vào lòng tham và sự cả tin" để lừa đảo

Thái Thanh- A.T 06/01/2016 14:09 GMT+7
Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến ở các vùng nông thôn hiện nay đó là các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, từ đó đánh vào lòng tham và những lợi ích trước mắt để chiếm lòng tin của họ.

img

Đối tượng Ngô Thị Lan Anh ở xã Thiệu Đô đang khai báo hành vi phạm tội của mình với cơ quan điều tra.  (Nguồn ảnh: Công an Thanh Hóa)

Điển hình như đối tượng Lê Thị Hương (SN 1980, trú xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hóa) đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân địa phương để huy động vốn vay với lãi suất cao sau đó xù nợ bỏ trốn, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng của gần 80 hộ dân trên địa bàn xã, khiến nhiều gia đình phải khuynh gia bại sản. Hay trường hợp Ngô Thị Lan Anh, ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) cũng khiến cho hàng chục hộ dân ở xã Thiệu Vận và Thiệu Đô lâm vào cảnh nghèo khó khi ôm gọn số tiền gần 2 tỷ đồng bỏ trốn. Thủ đoạn của đối tượng này vẫn là quen biết, tin tưởng và lãi cao... nên chỉ giao dịch bằng miệng và giấy viết tay là chính.

Hoặc đối tượng Lê Thị Ninh (tức Lê Phương Oanh, SN 1977, ở xã Bắc Lương, Thọ Xuân) đã tự xưng là cán bộ Sở NNPTNT Thanh Hóa, có khả năng xin được việc làm cho những người tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp y, dược có nhu cầu xin vào các bệnh viện của ngành y tế. Sau khi thu hồ sơ và lấy trước một khoản tiền từ 50-100 triệu đồng, Ninh đã dùng quyết định tuyển dụng giả, photo lại đưa cho bị hại để lấy hết số tiền còn lại. Bằng các thủ đoạn như vậy, Ninh đã lừa đảo nhiều người với số tiền hàng tỷ đồng.

Sau các vụ lừa đảo, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay sau bao năm tích góp. Điều đáng nói là hầu hết các vụ lừa đảo đều xuất phát từ người thân trong gia đình, hoặc chỗ tình làng nghĩa xóm - nơi mà bà con nào cũng tin tưởng và cho là an toàn nhất. Trong khi hiện tượng lừa đảo đang chuyển hướng về nông thôn thì việc ngăn chặn tại các địa phương lại gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Bên cạnh sự nhẹ dạ, cả tin của người dân còn có cả sự quản lý lỏng lẻo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa: Từ năm 2013 đến nay,  đơn vị đã phát hiện, điều tra và xử lý gần 20 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại các vùng nông thôn, với 200 bị hại.

Để chủ động phòng tránh, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin chính sách của các cơ quan chức năng thì bản thân người dân cũng cần phải cảnh giác cao với những chiêu trò bịp bợm một cách tinh vi của các đối tượng lừa đảo.