Dân Việt

Rộ nạn lừa đảo ở nông thôn

Đánh vào sự cả tin và một phần tâm lý nóng lòng thu lợi tức thời của không ít nông dân, hiện nay ở các vùng nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, nhóm người lừa đảo với chiêu thức tinh vi và gây hậu quả nghiêm trọng.

Mạo danh cơ quan nhà nước

Gắn những cái mác rất kêu, thậm chí mạo danh cơ quan cấp T.Ư, nhiều cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mất cảnh giác của bà con để lừa đảo ở nông thôn. Ông Lê Văn Trung – Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thành Lợi (Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết: “Thời gian gần đây, ngày nào cũng có cuộc gọi điện đến nhờ hỗ trợ 10-15 triệu đồng  cho các chương trình tôn vinh thương hiệu rồi nhận cúp vàng, đặc biệt họ đòi chuyển khoản ngân hàng”.

Cũng tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Hải Nam – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Trà Ôn cho biết: Trên địa bàn huyện đã xảy ra vụ 2 thanh niên mạo danh cán bộ một cơ quan T.Ư và tờ báo có trụ sở tại Hà Nội đến vòi tiền nông dân. Nghi ngờ, ông Nam đã liên hệ với lực lượng chức năng. Công an huyện đã tiến hành xác minh và kết luận 2 người trên là giả mạo.

Còn tại Quảng Trị, nhiều hộ dân ở xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) phản ánh, khoảng giữa tháng 8 vừa qua, một nhóm thanh niên đến tận nhà các hộ dân tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Sản xuất thương mại điện năng lượng mặt trời, có trụ sở tại số 28 Chu Văn An, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM. Nhóm thanh niên đặt vấn đề thuê 2-3m2 đất ở góc vườn để đặt bảng quảng cáo cho công ty với mức giá 1,5 triệu đồng/m2/tháng. Nghĩ chẳng mất gì, nhiều hộ đã đồng ý cho thuê. Sau đó, chúng đưa ra một số bóng đèn bảo đó là “bóng đèn năng lượng mặt trời”, giá 790.000 đồng/bóng.

img

Bóng đèn được nhóm lừa đảo gọi là “đèn năng lượng mặt trời” để lừa bán cho người dân với giá cắt cổ. Ảnh: (Ngọc Vũ)

"Chiêu" lừa đảo ở nông thôn mà nhóm thanh niên đưa ra gạ gẫm người dân là nếu mua 3 bóng đèn trở lên sẽ trúng thưởng nhiều sản phẩm lên tới hàng chục triệu đồng. Bằng chiêu thức trên, nhóm lừa đảo đã khiến nhiều nông dân nghèo sập bẫy, thậm chí có hộ bán cả lợn, gà để mua cho được 3-4 bóng đèn. Chị Hồ Thị Thiên (trú đội 1, thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) cho biết: “Họ bảo khi đèn không sáng nữa thì đem phơi nắng 1-2 tiếng đồng hồ là có thể thắp sáng được 20 đêm, tôi thử mới biết mình bị lừa”.

Chiêu bài bán bóng đèn này cũng được các đối tượng sử dụng với người dân ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau nhưng với cái giá “cắt cổ” là 1 chỉ vàng/bóng.  Tiếp xúc với phóng viên, anh Nguyễn Văn Động (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) kể, có người phụ nữ đến nhà anh xưng tên Nguyễn Thị Lý, nhân viên Công ty cổ phần Khâm Vĩnh Hưng. “Cô ta hỏi vợ chồng tôi cho thuê đất để treo bảng quảng cáo bóng đèn năng lượng. Sau đó cô ta dụ vợ chồng tôi mua bóng đèn dùng thử. Không ngờ tôi mất 2 chỉ vàng để mua 2 cái bóng đèn năng lượng rởm” – anh Động nghẹn lời.

Theo tìm hiểu của PV, địa điểm trụ sở công ty nói trên là giả mạo. Bóng đèn trên chỉ có giá 50.000 - 150.000 đồng.

Khó xử lý

Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết bà con phải nâng cao cảnh giác. Tuyệt đối không mua bán, trao đổi hàng hóa với đối tượng lạ mặt; của hời không thể từ trên trời rơi xuống. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn phải báo ngay cơ quan chức năng xử lý”. 
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích - ông Lê Trung Kiên cho biết: Thời gian qua công an xã tiếp nhận nhiều thông tin trình báo của người dân về việc mình bị lừa đảo, vụ việc đã được trình báo về công an huyện. Tuy nhiên, do các đối tượng lừa đảo hiện nay rất tinh vi lại hoạt động chủ yếu ở các thôn, xóm nên rất khó phát hiện.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) cũng cho rằng, do sự thiếu hiểu biết của bà con và tính chất nhỏ lẻ nên các vụ việc này rất khó xử lý. “Một phần vì bà con ta cả tin, khi phát hiện ra kẻ lừa đảo ở nông thôn thì chúng đã cao chạy xa bay. Mặt khác cơ quan chức năng cũng chưa thực sự quyết liệt nên bọn chúng vẫn lộng hành. Tất cả những hành vi nêu trên đều có dấu hiệu chung là dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Theo luật sư Tuấn, cơ quan công an cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm để răn đe. Bên cạnh đó cần phải sửa đổi Bộ luật hình sự, cho dù tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng  thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự vì đối tượng mà kẻ phạm tội hướng tới không phải chỉ một người mà nhiều người.

Mất tiền vì quà khuyến mãi

Mới đây, tôi đã bị hai phụ nữ đi bán dạo dầu gội đầu lừa gạt mất hơn 500.000 đồng. Hôm đó tôi đang ở nhà thì thấy hai người phụ nữ, tuổi trung niên, khoác hai chiếc túi du lịch rộng và giới thiệu là đi bán dầu gội đầu với giá rất rẻ và được bốc thăm trúng thưởng. Nghe giải thưởng cũng hấp dẫn, tôi quyết định mua 1 chai và bóc tem trúng thưởng. Xem tem, hai người phụ nữ này nói tôi trúng cái nồi cơm điện của Nhật trị giá hơn 2 triệu đồng và yêu cầu tôi ứng trước 1 triệu đồng để chúng đi nhận nồi ở siêu thị, khi mang quà về sẽ hoàn tiền cho tôi. Vét trong nhà còn 550.000 đồng, tôi đưa cả cho hai người phụ nữ. Nhưng sau đó, tôi đợi cả ngày không thấy ai trở lại…

Bà Lê Thị Thu (đội 4 thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội)

Suýt dính “quả đắng”

Tôi có hai đứa con đang đi làm ở Hàn Quốc. Đợt cuối năm 2015 vừa rồi, tôi nhận được điện thoại của 1 người lạ, bảo là ở cùng khu với cháu lớn nhà tôi ở Hàn Quốc và chuyên làm dịch vụ chuyển hộ tiền về nước. Chị ấy bảo, tiện chị ấy về phép, con tôi có gửi biếu bố mẹ ít tiền tiêu tết và nhờ chị ta mang về nhà cho vợ chồng tôi. Nhưng do chị ấy ở xa (Hà Nội), lại bận quá không về được nên bảo sẽ gửi tiền về cho tôi qua số tài khoản. Nhưng chị ấy bảo phải mất phí chuyển vì là tiền ngoại tệ nên khá đắt. Chị ấy bảo vợ chồng tôi gửi phí vào tài khoản cho chị ấy là 1 triệu đồng để chị ấy chuyển tiền. Tôi bảo, tôi không biết chuyển khoản thế nào, chị ta nói thế thì mua 5 cái thẻ điện thoại 200.000 đồng, cào ra rồi đọc số cho chị ấy cũng được. Tôi nói chuyện với con dâu và nhờ nó đi mua. May mà nó chát gì đó với chồng, bảo không có chuyện đó nên tôi không bị mắc lừa”.

Bà Phạm Thị Hường  (Kim Động, Hưng Yên)

Nguyễn Loan – Hải Linh (ghi)