Tôi ở Quốc Oai (Hà Nội) nhưng 5 năm nay vợ chồng tôi sống bằng nghề gom hàng nông sản ở quê chở vào nội thành bán.
Lúc đầu chỉ dùng 1 xe máy thôi, giờ khách nhiều nên vợ 1 xe, chồng 1 xe, cứ sáng chở hàng đi bán, chiều hết hàng lại về. Tôi cũng thấy khổ sở vì Hà Nội tắc đường nhiều quá nhưng nếu tới đây Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy thì vợ chồng tôi buôn bán thế nào được. Cứ cho là có nhiều xe bus thì các chú lái xe có cho vác gà, cá, rau lên xe không? Còn thuê xe chở hàng thì có khi bán hàng cả ngày lãi cũng chỉ đủ trả tiền xe.
Chị Lương Thị Loan (bán cá ở chợ cóc Khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).
Đường phố Hà Nội tắc nghẽn trong giờ cao điểm. Ảnh chụp tại phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. Ảnh: Đ.D
Tôi quê ở Ý Yên (Nam Định) lên Hà Nội chạy xe ôm. Ngày nào đắt khách tôi kiếm được trên 300.000 đồng, đủ sống và có chút tiền gửi về cho vợ con. Tôi cũng chỉ mới nghe phong thanh người ta nói Hà Nội cấm xe, nhất là xe cũ. Nhưng nếu có thế thật thì gay quá. Tôi bằng cấp chả có, nghề nghiệp cũng không, không chạy xe ôm thì cũng chả biết làm gì mà sống. Về quê thì cũng chả còn ruộng mà cấy.
Anh Nguyễn Văn Tân (Từ Liêm, Hà Nội)
Tôi rất băn khoăn, khi hạn chế xe máy, việc di chuyển của người dân sẽ chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng và đi bộ. Nhưng với quy hoạch hiện nay của đường phố Hà Nội, chẳng biết có đủ vỉa hè và đủ đất xây dựng vỉa hè cho người đi bộ không nữa? Đất tự nhiên trong nội thành không thể “nở” phình ra được. Vì vậy theo tôi, ngoài giải pháp Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân, cần di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, trường học… phân tán ra ngoài phạm vi nội thành.
Ông Nguyễn Hữu Bằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đây là câu chuyện dài nhiều tập tiếp theo chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước: Giao thông công cộng và phương tiện giao thông cá nhân. Tôi cho rằng nếu giao thông công cộng tốt, thuận tiện, văn minh và chiếm được thiện cảm của người dân thì dân sẽ tự giác bỏ phương tiện cá nhân, chẳng cần phải cấm. Sẽ không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề xã hội to lớn này. Xin các nhà kinh tế và chính trị xem xét kỹ và có biện pháp và lộ trình thích hợp”.
Quang Anh (Hà Nội)