Mất chợ, tiểu thương ra đường buôn bán
Chợ Đăk Buk So (xã Đăk Buk So, nay là trung tâm huyện Tuy Đức) được xây dựng năm 1999 từ nguồn vốn 135. Chủ trương này của Nhà nước nhằm tạo sinh kế, từng bước nâng cao đời sống cho người dân vùng biên. Năm 2007, huyện Tuy Đức được thành lập. Mặc dù đây là một huyện nghèo, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngay sau đó, năm 2009, UBND huyện Tuy Đức quyết định đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng “chợ nông sản huyện Tuy Đức” (thuộc xã Quảng Tâm, cách trung tâm huyện khoảng 2km). Xây xong chợ nông sản, huyện cho treo biển “chợ huyện Tuy Đức”. Tháng 9.2014, huyện cho tháo dỡ chợ Đăk Buk So đưa tiểu thương về “chợ huyện” buôn bán với lý do chợ cũ gây mất an toàn giao thông, xuống cấp, không còn phù hợp với quy hoạch... Việc này vấp phải sự phản ứng của người dân.
Trong khi tiểu thương buôn bán ngoài đường thì một ngôi chợ hàng tỷ đồng lại để hoang. (Ảnh: D.H)
Và từ đó đến nay, gần 50 tiểu thương vẫn tiếp tục phản ứng bằng cách liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng không đồng ý vào “chợ huyện” buôn bán vì địa thế không thuận lợi và mong muốn được tiếp tục buôn bán tại chợ cũ.
Cũng từ đó đến nay, hàng trăm tiểu thương ở Tuy Đức họp chợ ngoài đường. Sau nhiều lần giải quyết, giữa chính quyền địa phương và người dân vẫn chưa có tiếng nói chung. Chánh văn phòng UBND huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết đã thành lập các đoàn để xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán. Song theo quan sát của chúng tôi, tình trạng ấy dường như chưa từng được xử lý. Bởi ngay ngõ vào trung tâm huyện, người dân vẫn tấp nập bán buôn.
Chợ bỏ hoang là tại dân?
Trong khi chưa có cách gì xử lý chợ huyện Tuy Đức, ngày 23.12.2015, tỉnh Đăk Nông tiếp tục cho một công ty tư nhân đầu tư xây thêm chợ xã Đăk Buk So mới cách chợ huyện không xa, với diện tích lên đến hơn 1,6ha. Hiện việc xây dựng chợ này đang được tiến hành, chủ đầu tư cũng đang kêu gọi người dân đăng ký gian hàng. |
Mặc dù được đầu tư khá hoành tráng từ nguồn ngân sách, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hiện nay chợ nông sản Tuy Đức đang có dấu hiệu xuống cấp với nhiều vết nứt nẻ trên tường cột. Hiện chợ này đóng cửa im ỉm, phó mặc cho mưa nắng hủy hoại.
Ông Hồ Bá Bằng - Phó Chủ tịch huyện Tuy Đức cho biết, nguyên nhân khiến chợ nông sản bỏ hoang là do một số tiểu thương không chịu vào mà quay về chợ cũ buôn bán. Việc này khiến cho việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ nông sản bị ế ẩm nên sau đó họ cũng chuyển luôn ra ngoài.
Tháng 1.2015, tại Công văn 4313 về việc giải quyết khiếu nại của dân, UBND tỉnh Đăk Nông cho rằng, chợ nông sản Tuy Đức có đầy đủ điều kiện và phù hợp kinh doanh chợ dân sinh nên yêu cầu huyện tiếp tục vận động tiểu thương vào chợ buôn bán. Thế nhưng ngôi chợ “đa chức năng” này (vừa có thể làm chợ nông sản vừa phù hợp làm chợ dân sinh, và theo huyện trước khi xây dựng đã họp dân và nhận được sự đồng thuận cao) vẫn bị bỏ hoang, hàng tỷ đồng đang bị hư hỏng từng ngày.