Ảm đạm kinh tế toàn cầu
Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của WB được công bố 2 lần/năm dự báo nền kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,9%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6.2015, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,4% của năm 2015. Nguyên nhân, theo WB, là do tốc độ tăng trưởng thấp tại một số nền kinh tế thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế khác ở Trung Đông lại ì ạch. Ảnh: Reuters
Theo WB, tăng trưởng kém diễn ra đồng thời tại nhiều nền kinh tế mới nổi đã gây quan ngại đối với khả năng hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và chia sẻ thành quả phát triển cho mọi đối tượng vì các nền kinh tế này từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ vừa qua. Báo cáo cũng cảnh báo rằng tác động lan tỏa từ các nền kinh tế mới nổi sẽ kéo theo hạn chế tăng trưởng tại các nước đang phát triển và đe dọa những thành quả giảm nghèo vốn rất khó khăn mới đạt được.
Chủ tịch WB ông Jim Yong Kim cho biết: "Các nước đang phát triển cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó với môi trường kinh tế kém thuận lợi và bảo vệ nhóm người bị thiệt thòi nhất. Lợi ích của các biện pháp cải cách quản trị và cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn và chúng có thể bù đắp tác động do tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn bị chậm lại".
Dự đoán, các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% năm 2016, thấp hơn mức dự báo trước đây nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% giai đoạn sau khủng hoảng trong năm 2015. Trong năm 2016, tăng trưởng dự đoán sẽ tiếp tục giảm tại Trung Quốc, còn Nga và Brazil sẽ tiếp tục suy thoái. Ấn Độ sẽ dẫn đầu khu vực Nam Á, nơi sẽ là điểm sáng về tăng trưởng. Hiệp định TPP vừa mới hoàn tất dự kiến cũng sẽ góp phần làm bùng nổ thương mại.
Còn nhiều rủi ro
Ông Kaushik Basu- chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB cho rằng, đang có một sự phân hóa ngày càng lớn giữa các nền kinh tế đang nổi trên thế giới. Tình trạng chững lại cùng lúc của 4 nền kinh tế là Trung Quốc, Brazil, Nga và Nam Phi tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến phần còn lại của nền kinh tế thế giới. |
Tuy ít có khả năng xảy ra nhưng nếu các nền kinh tế mới nổi chủ chốt suy giảm nhanh hơn dự đoán thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động. Trong số các rủi ro cần kể đến căng thẳng tài chính liên quan đến chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các căng thẳng địa chính trị.
Báo cáo nhấn mạnh, tăng trưởng trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,3% trong năm 2016 từ mức 6,4% trong năm 2015. Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Không kể Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng khu vực năm 2015 là 4,6%, tương đương mức 2014, do tăng trưởng các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, trong đó có Indonesia và Malaysia, bị chậm lại nhưng lại được bù lại bởi tăng trưởng nhanh tại Việt Nam và mức độ khôi phục phần nào tại Thái Lan. Rủi ro trong khu vực bao gồm suy giảm mạnh hơn dự kiến tại Trung Quốc, khả năng biến động thị trường tài chính có thể quay trở lại, và điều kiện tài chính bất ngờ bị thắt chặt.