Báo Lao Đông đã làm một phóng sự nhiều kỳ về chuyện Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã sử dụng các loại rác đầy bệnh phẩm để sơ chế và bán cho thị trường sử dụng làm nhiều loại sản phẩm tiêu dùng. Bất chấp những hiểm họa từ các loại chất thải này mà theo nguyên tắc và đạo lý là phải "đào sâu chôn chặt", không được để chút ảnh hưởng đến môi trường và con người.
Chuyện ai cũng rõ là chỉ vì tiền. Vì chút thu nhập mà những con người làm trong ngành Y, những người được xã hội giao phó sinh mạng, sức khỏe lại bất kể sự truyền nhiễm các dịch bệnh từ những loại rác thải mà chính họ hiểu rõ hơn ai hết là quá độc hại tiếp tay cho sự gieo rắc sự độc hại ấy.
Tôi không hiểu họ có suy nghĩ, ngại ngần gì không, hay họ chỉ làm một cách vô tri với lòng tin là người khác, không phải mình (và gia đình mình) phải gánh chịu sự tàn hại đó! Không ai quan tâm đến ai; làm giàu với bất cứ giá nào ngay cả khi cái giá ấy là sinh mệnh, sức khỏe của người khác. Khi quan niêm sống, làm ăn, làm giàu đang diễn ra như vậy chính là lúc cái Ác đã lên ngôi!
Từ lâu nay, đã có nhiều báo động và nghiên cứu, tìm hiểu sự băng hoại của đạo đức xã hội, của lương tâm con người. Thế nhưng để có những nghiên cứu chuyên sâu, đến nơi đến chốn nhắm tìm ra giải pháp cho tình trạng cái Ác tràn lan, phá hỏng mọi quan hệ xã hội, gia đình thì hầu như chưa có hoặc cũng chưa dám làm. Bởi một thể chế xã hội không cho phép nói ra điều xấu xa, dối trá đang chiếm lĩnh. Chúng ta đã quá quen với khái niệm chế độ chúng ta đầy ưu việt, cái tốt là chính là bản chất, còn cái xấu, cái ác chỉ là hiện tượng nhất thời chắc chắn phải bị tiêu diệt...
Rồi chúng ta tự tin quá mức khi cho rằng việc xây dựng, phát triển xã hội không cần phải theo một quy luật tự nhiên, quy luật đạo đức nào mà chỉ cần áp dụng một số quy tắc lý thuyết "xã hội chủ nghĩa" là đâu vào đó. Một lý thuyết chỉ buộc con người phải biết hy sinh cho tương lai vô định, phải ép mình sống khổ hạnh, giả dối mà không có chỗ cho con người biết cuộc sống là hiện tại, hạnh phúc là cái đang diễn ra chứ không là lời hứa hẹn xa vời.
Cho đến khi sự kiệt quệ kinh tế, đã kéo cả nước đến chỗ khốn cùng, buộc phải đổi mới. Khi chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi "phải tự cứu mình trước khi Trời cứu" thì cả nước đã bùng ra công cuộc kiếm sống, làm giàu bằng bất cứ giá nào, kể cả cái giá lương tâm. Nhưng cho đến lúc đó, khi Từ Thức đã mở toang cánh cửa để nhìn thấy trần gian, một "Trần gian khóc cười đủ cả" thì cả hai công cụ để kiềm chế, quản lý xã hội, con người là Đạo Đức và Pháp Luật đều hoặc đã bị phá hoại tan hoang, hoặc chưa được xây dựng hoàn chỉnh thì làm sao cái Ác lại lại không lên ngôi?
Bên trong khu vực xử lý rác thải của BV Bạch Mai. ảnh: Báo Lao động
Trở lại vấn đề bệnh viện Bạch Mai, nó chỉ là hệ quả của một xã hội mà việc thượng tôn pháp luật chưa thành quy chuẩn. Hầu hết những quy định, luật pháp về chất thải bệnh viện đều đã có, đã được ban hành, nhưng làm sai, làm trái, làm bậy như họ đang làm thì ai chế tài khi họ được bao che bằng một tập thể lãnh đạo, công đoàn và ô dù đồng thuận việc làm sai pháp luật này.
Có biết bao điều sai trái, oan tình mà vẫn qua được hết bởi trách nhiệm vẫn được chia đều cho tập thể mà tập thể lại không hữu hình để chịu sự xử lý của pháp luật. Còn vấn đề đạo đức, lương tâm ngày nay đã bị phá vỡ khi ai cũng hiểu được điều dối trá phải đối diện hàng ngày trong khi chưa xây dụng được niềm tin đạo đức đích thực như tôn giáo chẳng hạn. Chuyện xây nhiều chùa, nhà thờ; siêng năng đi lễ ...phần lớn chỉ là mê tín chứ chưa phải hình thành đạo đức. Mà với cuộc sống như thế thì cái Ác chiếm lĩnh là điều đương nhiên.
Mặt khác, sự mệt mỏi kiếm sống, đối phó với cuộc sống và những bất trắc, bất an thường trực đã khiến chúng ta thờ ơ, mặc nhiên cho qua, chính là sự dung dưỡng, đồng tình với tội ác. Hằng ngày chúng ta đều biết, thấy những việc tương tự nhưng vẫn cho là chuyện của ai, của người khác khi nó chưa trực tiếp ảnh hưởng đến mình, người thân của mình.
Vứt cái rác ra đường, ra khỏi cửa xe ô tô; chỉ ăn rau trồng riêng chứ không ăn rau trồng bán; đồng tình “thà tham nhũng mà được việc còn hơn không ăn mà không làm”; thấy người làm giàu dù áp bức, bất công đến đâu cũng ủng hộ ... bao điều diễn ra trước mắt, chung quanh mà con người hôm nay không còn sức phản kháng, chống lại. Như vậy bảo sao cái Ác lại không hoành hành!
Không phải chỉ là chuyện ở bệnh viện Bạch Mai. Điều cần thiết, cấp bách là con người cần được trang bị, khuyến khích bước qua nỗi sợ để chống lại cái Ác. Phản kháng trước điều Ác xảy ra là một phản ứng lành mạnh của xã hội. Người nhân viên làm công việc cắt rửa, sơ chế rác của Bạch Mai phải phản ứng khi được giao công việc đó. Người mua bán vật phẩm tái chế ấy phải biết từ chối khi đi gieo rắc, truyền bá dịch bệnh. Người tiêu thụ hàng hoá bẩn phải biết tức giận, tẩy chay loại hàng hoá này.
Tạo nên ý thức xã hội để mọi người làm được chính là cần khai dân trí như cụ Phan Châu Trinh đã mong muốn, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.