Tại các quán cà phê nằm sau Thánh đường Hồi giáo Grand Umayyad của thủ đô Damascus, Syria, những câu chuyện bị gián đoạn bởi tiếng ồn phát ra từ máy bay phản lực xé toang bầu trời.
Nhấp từng ngụm từ những tách trà nhỏ, các vị khách ngước lên nhìn trời, nheo mắt xem máy bay ở đâu mà không thấy. Chúng bay nhanh hơn là người Syria tưởng.
“Anh có nghe thấy gì không” – Mahmoud, một thợ may ở Damascus, hỏi. Một người khác đáp, đó là máy bay của Nga. Câu chuyện của hai người đàn ông nói chuyển sang hai nhân vật: Abu Ali và Abu Hussain.
Một người nói: “Abu Hussain yếu xìu, nhưng Abu Ali thì đúng là đàn ông đích thực”.
Tổng thống Nga Putin được người Syria xem là đàn ông đích thực
Câu chuyện dần sáng tỏ về hai nhân vật được đề cập. “Abu Hussain” (hay Abu Hussein) chính là biệt danh mà người Syria gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama, và “Abu Ali” là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Sami Moubayed, chuyên gia về Syria và cũng là cây bút bình luận của tờ Gulf News, cách gọi này có từ hơn 70 năm trước, khi người ta gọi Adolph Hitler là “Abu Rashid” và Charles de Gaulle là “Abu Abdo” – một cách nói tránh về các chính trị gia để không bị tình báo Syria nghe lỏm.
Tác giả Josh Rogin trên tờ Bloomberg của Mỹ đưa ra thêm kiến giải về các biệt danh này.
Người Syria bắt đầu gọi ông Obama là “Abu Hussein” từ năm 2008. (“Abu” có nghĩa là “cha của” – theo cách gọi tên của người Ả Rập). “Abu Hussein” nhằm ám chỉ ông Obama bởi tên đệm của ông có từ Hussein (ông nội của Obama có họ là Hussein).
Biệt danh “Abu Ali” nhằm ám chỉ Tổng thống Putin bắt nguồn từ nhân vật Ali ibn Abi Talib – con rể của nhà tiên tri Muhammad.
Người Allawite (trong đó có gia đình Tổng thống Syria Assad) coi Ali là Imam (lãnh tụ Hồi giáo) đầu tiên của họ.
Kể từ khi Nga đem quân vào Syria hồi tháng 9/2015, “Abu Ali Putin” dường như hiện diện khắp nơi – từ các móc chìa khóa, cho tới cáo thị, các trang nhất của báo, và kênh radio.
Trong các khu chợ của người bản địa, người ta nói về Putin – về quá khứ của ông, cuộc sống đời tư, rồi về hình thể vạm vỡ, và chương trình nghị sự của ông trên toàn cầu.
Một họa sĩ Iraq đang vẽ ông Putin tại phòng tranh ở Baghdad ngày 7/10 (Ảnh: AFP)
Trên trang counterpunch, tác giả Franklin Lamb nói về “sinh khí” mới của Nga tại Syria. Viên đại tá trong văn phòng nhập cảnh giải thích “Mọi người dân Syria đều yêu Putin. Chúng tôi gọi ông ấy là Abu Ali Putin”.
Không chỉ ở Syria, tiếng tăm của Abu Ali Putin còn nổi như cồn ở Iraq. Các chiến dịch không kích của Nga tại Syria khiến cho Tổng thống Vladimir Putin trở thành chủ đề chính cho các bài hát, các bức ảnh và video có tính chất tôn vinh, ca ngợi của đa số người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq.
Trang Daily Caller cho hay, hình ảnh Putin lan truyền trên các trang mạng ở Iraq. Cùng với đó là các đoạn video có hình ông Putin trên nền nhạc ái quốc của Iraq.
Đáp lại, người Iraq dòng Sunni lại nghĩ ra một câu chuyện khác theo kiểu của họ, thậm chí, nâng sự tôn sùng Putin của người Shiite lên một bậc nữa, và mô tả ông Putin như thể chiến binh huyền thoại sát cánh với Hussein – lãnh tụ và cũng là một trong những nhân vật lịch sử quan trọng nhất của người Hồi giáo dòng Shiite.
Những tuần gần đây, trên mạng internet, cộng đồng người Shiite ở Iraq còn kháo nhau rằng một trong các tổ tiên của ông Putin là chiến binh Cơ đốc từng trợ giúp cho Hussein trong trận chiến Karbala (năm 680 sau Công nguyên).
Bằng một cách nào đó, những câu chuyện đồn thổi huyễn hoặc về thân thế kỳ bí của ông Putin trở thành một thứ quyền lực mềm, kết hợp với sức mạnh quân sự, mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Tại Iraq, đa số người Shiite không thấy có bất kỳ lực lượng nước ngoài nào giải cứu họ khỏi phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS).
Mới đây, chính phủ Iraq do người Shiite cầm quyền đã ký kết các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nga, cho phép quân đội Nga thực hiện không vận qua không phận Iraq.
Họ công khai hoan nghênh sự can thiệp của ông Putin: một nghị sĩ người Shiite nói với tờ Times rằng những người Shiite ‘cảm thấy Nga nghiêm túc hơn là Mỹ’.