Anh Lâm Quang Bình đưa máy cày về nhà bảo dưỡng sau khi làm dịch vụ. Ảnh: M.T
Anh Lâm Quang Bình tâm sự: “Trước gia đình mình cũng khó khăn lắm. Để khắc phục hoàn cảnh đó, không cách nào khác là phải chí thú làm ăn và có cách làm sáng tạo, hiệu quả…”. Trước đây, chỉ có 2 sào ruộng, không đủ trang trải cho cuộc sống, anh đã đấu giá đất dự phòng của xã và thuê thêm để có được 30 sào ruộng hiện nay, sản xuất 2 vụ lúa.
Để phục vụ sản xuất, anh Bình sắm 2 máy cày, 1 máy cắt lúa. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thâm canh cây lúa lai, trong đó chú trọng đưa cơ giới vào đồng ruộng, anh khẳng định cầm chắc trong tay 400kg lúa khô/sào/vụ, bình quân thu về 12 tấn lúa/năm.
Khai thác nhu cầu rất lớn về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, trong đó có các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản… anh Bình nhanh chóng mở rộng sinh kế làm dịch vụ cày, xới đất, cắt lúa và vận chuyển hàng hóa nông sản, vật liệu xây dựng. Vì thế công việc trong năm luôn đều đặn, đời sống của gia đình anh Bình trở nên khấm khá.
Anh Bình cho hay, công máy cắt lúa 60.000 đồng/sào, máy cày đất 13kg lúa/sào, vận chuyển lúa từ ruộng về nhà 100.000 đồng/chuyến, vận chuyển vật liệu xây dựng bình quân 200.000 đồng/xe. Từ sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ, trừ các khoản chi phí, gia đình anh còn lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5-7 lao động thời vụ ở địa phương.
Ông Trần Văn Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn nhận xét: “Anh Lâm Quang Bình là một nông dân cần cù, quyết tâm vượt qua nghèo khó, chí thú làm ăn. Cách làm của anh Bình có tính chất của một người nông dân mới. Anh Bình là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền. Anh là điển hình tiên tiến thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015, được UBND huyện Tây Sơn tặng giấy khen và Hội ND tỉnh Bình Định tặng bằng khen.