Chàng trai bị khiếm thị từ nhỏ
Về đến thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên (Bắc Giang), chúng tôi hỏi thăm nhà anh Dương Văn Tiến (SN 1984), có vợ là chị Lê Thị Yến (SN 1982) thì ai cũng biết. Người dân quanh vùng ai cũng ngưỡng mộ vợ cặp vợ chồng này.
Nhờ sự chỉ đường tận tình của người dân, chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 khang trang của vợ chồng anh ở cuối ngõ. Khi thấy có người đến nhà hỏi thăm, anh Tiến mò mẫm từng bước đi ra ngoài hiên và cất giọng “Các anh là ai đấy, tìm tôi có việc gì không?”. Khi biết chúng tôi là phóng viên đến thăm, anh nhanh miệng mời chúng tôi vào trong nhà.
Ngồi ở bàn, anh ôm chặt đứa con gái vào lòng và dò dẫm từng tí một rót chén nước mời chúng tôi. Lúc đầu ngồi tâm sự anh còn rụt rè, ái ngại, nhưng qua vài câu chuyện anh cởi mở lòng mình hơn.
Anh Tiến tâm sự: “Tôi bị mù từ lúc còn rất nhỏ. Hồi đó, tôi bị lên sởi (bệnh sởi – PV), do nhà không có điều kiện chữa trị nên tôi bị mù cả hai mắt. Lúc đó vẫn còn nhỏ chưa biết gì, khi lớn lên tôi thấy các bạn cùng trang lứa chạy nhảy, vui chơi thì mới hỏi bố mẹ, tại sao mình lại bị như vậy. Khi hiểu được như thế nào là bị mù tôi thật sự rất buồn, lúc đó chỉ khoảng 5-6 tuổi thôi”.
Gia đình nhỏ của vợ chồng anh Tiến.
Gia đình nghèo khó nhưng anh vẫn thích đi học, bố mẹ anh đăng ký cho anh vào một lớp học của người mù. Hàng ngày, bố mẹ anh thay phiên nhau đưa đón đi học, lớn thêm chút nữa thì anh bắt đầu nhờ bạn bè. Rồi anh Tiến cũng học hết lớp 9, vì ở quê lúc đó chưa có chương trình phổ thông cho người mù nên anh phải nghỉ học. Nghe một người quen giới thiệu, anh nhờ bố mẹ đưa đến nhà một ông thầy Lang ở cùng làng học nghề xoa bóp bấm huyệt. Sau hơn một năm học, anh cũng đã nắm bắt được đôi chút kỹ năng, nhưng việc học văn hóa vẫn thôi thúc trong lòng khiến anh không hề muốn từ bỏ.
Bốn năm sau, anh quyết chí vào miền Nam, ở trong này họ có lớp phổ thông cho người mù, nên anh tìm vào anh xin theo học. Lạ nước, lạ cái, một mình bơ vơ nơi đất khách. Nhờ ham học hỏi và có ý chí phấn đấu, anh đã tốt nghiệp khoa sư phạm của người mù. Và cũng chính tại mảnh đất Sài Thành này, anh đã gặp và quen vợ anh bây giờ.
Nhất gái hơn hai…
Kể về chuyện tình của mình, anh cười tươi hết cỡ. Ban đầu cũng chỉ là tình cờ quen nhau trong một lần các chị công nhân xuống giao lưu với hội người khiếm thị. Anh được một cô gái xinh xắn đến bắt chuyện làm quen. Tình cờ, cô gái đó lại chính là người ở Bắc Giang, cùng quê với anh. Cảm động vì quen được người đồng hương và chị cũng là người khuyết tật, hai người trao nhau số điện thoại để làm quen.
Người mắt sáng sử dụng điện thoại còn đôi lúc khó khăn, huống chi mắt anh không nhìn thấy. Nhưng cái cảm giác của anh lúc này, nó rất khác, có lẽ anh đang yêu...
Thế là anh nhờ bạn bè dạy cho anh cách sử dụng điện thoại. Mỗi ngày học một chức năng, phải hơn một năm anh mới thành thạo được. Từ nghe gọi, nhắn tin anh đều có thể làm như người bình thường.
Lại thêm 4 năm nữa trôi qua, khi anh thấy tình cảm của mình đã thực sự chín muồi, anh đã ngỏ lời cầu hôn. Hạnh phúc vỡ òa khi anh nghe chị nói ra câu “em đồng ý”. Ngày anh chị kết hôn, hai họ vui mừng khôn tả. Giờ đây, vợ chồng anh chị đã có với nhau một người con gái kháu khỉnh, đó là nguồn động lực rất lớn cho hai vợ chồng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tiến luôn khen ngợi vợ, cảm nhận trong anh, chị là cô gái đẹp nhất vùng, "hoa hậu" của những người khuyết tật. Anh thật hạnh phúc nhờ tình yêu chân thành anh đã có được chị.
Giờ đây, gia đình nhỏ của anh chị, chị đi làm công nhân, còn anh thì ở nhà trông cháu và làm nghề xoa bóp bấm huyệt tại nhà để kiếm thêm thu nhập. “Người ta bảo, nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một. May mà tôi lấy được vợ tôi khéo lo toan chăm sóc, thương yêu chồng con, không thì giờ này tôi vẫn là một người chưa đâu vào đâu…”, anh Tiến chia sẻ.