“Chúng ta làm sai mọi thứ từ đầu”, Tổng thống Putin nói trong bài phát biểu với tờ Bild của Đức hôm 11.1. “Chúng ta vẫn chưa vượt qua được sự chia rẽ của châu Âu: 25 năm trước bức tường Berlin sụp đổ nhưng một bức tường vô hình khác vẫn được dựng lên hướng về phía đông. Chính rào cản này tạo ra sự bất đồng trong tương lai”.
Tổng thống Putin có bài phỏng vấn hôm 11.1 với tờ Bild (Đức).
Ông Putin nhấn mạnh sai lầm lớn nhất của Nga là không tuyên bố và bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền và lợi ích quốc gia từ ngày đầu tiên. “Chúng ta đã thất bại khi áp đặt lợi ích quốc gia ngay từ đầu. Nếu chúng ta thực hiện được điều này thì thế giới đã cân bằng hơn”, ông Putin chia sẻ.
Các nhà chính trị Đức nhìn thấy sự đối kháng giữa các đối thủ từ Chiến tranh lạnh sẽ tăng lên nếu quan hệ quốc tế và cán cân quyền lực ở châu Âu không được thay đổi. Tổng thống Putin nhắc lại các cuộc hội đàm giữa Đức và Liên Xô thời điểm đó.
“Cây đa của nền chính trị châu Âu” khi đó là nhà ngoại giao kì cựu người Đức Egon Karl-Heinz Bahr đã tuyên bố ngày 26.6.1990: “Nếu chúng ta không có những bước đi mạnh mẽ để vượt qua sự chia rẽ ở châu Âu thì sớm hay muộn liên bang Xô Viết cũng bị cộng đồng quốc tế cô lập”.
Toàn bộ Trung Âu, dù có Đông Đức hay không, theo nhà ngoại giao Bahr, nên có mối quan hệ với cả Xô Viết và Mỹ.
Bức tường Berlin chia cắt Đông Đức và Tây Đức bị phá sập năm 1989.
“Nếu ý chí chính trị thông suốt, chúng ta có thể làm được mọi thứ”, ông Putin nói. Tuy nhiên ông Putin khẳng định châu Âu đã không tạo thành một khối thống nhất như mục đích ban đầu, nhất là khi NATO được thành lập.
“Họ muốn kiểm soát tất cả”, lãnh đạo Nga khẳng định. “Trong 25 năm qua, nhất là sau khi Xô Viết sụp đổ, có quốc gia đã thèm muốn vị thế độc tôn về danh tiếng, quyền lực và sự thịnh vượng trên thế giới. Dù đó là hiến chương Liên Hợp Quốc hay luật pháp quốc tế cũng không còn quan trọng nữa. Cứ khi nào có chướng ngại vật thì Liên Hợp Quốc sẽ tuyên bố là vi phạm hiến chương”.
Thế giới ngày nay đối mặt với nhiều hiểm họa và thử thách, từ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu tới nạn buôn người, khủng hoảng nhập cư. Ông Putin cho biết Nga sẽ rất vui mừng nếu mọi quốc gia đều tham gia vào nỗ lực giải quyết khó khăn hiện tại.
“Điều đó không có nghĩa rằng Nga sẽ được quyền tự quyết mọi thứ trong khi các nước khác đồng ý ở chiều hướng ngược lại”, ông Putin nhấn mạnh. Đây là phát biểu ông từng đưa ra trong lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc ở New York năm ngoái.
Putin cam kết sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế khi bảo vệ lợi ích đất nước.
“Hơn nữa, nếu có nước nào không hài lòng với quan điểm của Nga, đáng lý ra họ phải đề xuất phương án tốt hơn thay vì luôn coi chúng tôi là kẻ địch. Mọi chuyện chẳng phải tốt đẹp hơn nếu biết lắng nghe, soi chiếu thực tế và cùng tìm giải pháp chung hay sao?”
Nhằm phát triển mối quan hệ giữa Nga và những người láng giềng châu Âu, một điều kiện cơ bản cần đạt được: “Chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau, lợi ích quốc gia và tuân thủ các quy định thay vì tìm cách thay đổi luật định nhằm phù hợp lợi ích mỗi nước. Ông Putin cũng nhấn mạnh 146 triệu người ở Nga có lợi ích của riêng họ và ông thề sẽ tìm mọi cách bảo vệ các lợi ích ấy. “Chúng tôi sẵn sàng với thái độ không đối đầu, tìm kiếm thỏa hiệp và dĩ nhiên luật pháp quốc tế phải được tuân thủ”.