Dân Việt

Dùng “chiêu” huấn luyện trâu, thu nửa triệu mỗi ngày

Dũ Tuấn 08/03/2016 06:30 GMT+7
Từ bỏ chiếc cày trên lưng, những chú trâu ở Bình Định được huấn luyện "làm bạn" với chiếc xe cộ thồ hàng, kiếm thêm thu nhập cho người nuôi.

Nhiều đàn trâu hiện có nguy cơ… “thất nghiệp” vì nông dân ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng. Đứng trước thực tế đó, nhiều người nuôi trâu tại Bình Định đã nảy ra ý định “dùng chiêu” để huấn luyện trâu, nhờ vậy “đầu cơ nghiệp” đã từ bỏ chiếc cày trên lưng, thay vào đó là chiếc xe cộ thồ hàng.

img

Ông Đặng Văn Lưu (60 tuổi, thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định) bên con trâu dùng để chở hàng

Hơn 10 năm nay, ông Đặng Văn Lưu (60 tuổi, thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định) huấn luyện trâu dùng sức kéo để chở hàng. Ông Lưu cho hay: “Tại xã Nhơn Lộc có gần 100 hộ dân là nuôi trâu kéo cộ. Ai kêu gì thì chở nấy, nếu trúng mánh mỗi ngày gia đình tôi kiếm được khoảng 500.000 đồng, nhờ vậy có thêm thu nhập”.

Theo nhiều người nuôi trâu chở hàng, mặt hàng các chú trâu này thường chuyên chở chủ yếu là rơm, rạ và gạch, cát xây dựng… Bình quân chi phí cho mỗi chuyến đi là 80.000 đồng, tùy theo đoạn đường mà số tiền có sự luân chuyển khác nhau. “Tôi đã từng nuôi gần 30 trâu kéo cộ, nếu được giá thì bán rồi tiếp tục mua con khác về nuôi và huấn luyện. Mỗi con trâu có sức kéo sung sức chỉ khoảng hơn 10 năm đổ lại. Với số tiền kiếm được thì mình mua thêm cám, bắp… để thúc cho trâu sau những giờ làm việc mệt nhọc. Chế độ dinh dưỡng luôn được người nuôi coi trọng, để trâu đủ sức khỏe khi kéo hàng” - ông Lưu chia sẻ.

Còn ông Dương Lam (55 tuổi, trú thị xã An Nhơn) cho rằng, trâu là loài vật khôn ngoan, có trí nhớ tốt nên trên những tuyến đường đã quen thuộc thì người "cầm lái" chỉ cần ra một roi là nó có thể đủng đỉnh đi đến nơi về đến chốn. Còn những tuyến đường lạ thì cần phải điều khiển bằng các động tác giật dây cương theo ý định của người cầm lái.

Tuy nhiên, để trâu nghe lời thì người nuôi cần có bí kíp riêng để huấn luyện trâu. Ông Lam chia sẻ: “Trước đây, khi nuôi trâu để chở hàng hóa, tôi luôn quan tâm đến khâu chọn giống vì nhân tố này dẫn đến hiệu quả thiết thực sức kéo của chúng. Phải chọn được giống trâu vạm vỡ, nặng trên 2 tạ và chúng có sức chịu đựng rất bền dưới thời tiết nắng nóng. Lúc mua về, cột chặt đầu trâu vào một cái cây rồi lấy sợi thép lớn xỏ qua mũi nó, quấn lại thành 1 cái vòng” - ông Lam bày cách.

Cũng theo ông Lam, khi vết thương ở mũi trâu lành rồi thì cột vào đó một cái dây và nó sẽ là chiếc dây cương để điều khiển con trâu theo ý mình khi “tra” nó vào cộ kéo. Khi nghe tín hiệu giật dây thì trâu sẽ di chuyển, ban đầu, điều khiển hơi khó khăn nhưng một thời gian ngắn thì trâu sẽ thuần thục với chiếc cộ. Sau khi huấn luyện, khi giật dây cương người cầm lái hô “dí, thá (phải, trái)”, chắc chắn con trâu sẽ nghe lời và di chuyển đúng hướng. Tha hồ sử dụng để kéo hàng theo ý muốn.

Trâu kéo cộ là phương tiện được nhiều nhà nông ưa chuộng bởi thân thuộc và giá cả phải chăng. Hiện nay, tại Bình Định, ngoài việc nuôi trâu để lấy thịt thì vẫn còn hộ dân huấn luyện trâu để chở hàng tại các xã chuyên trồng lúa. Đây là vật nuôi tiêu thụ rơm rạ của người dân mỗi mùa thu hoạch và phân trâu được các thương lái thu mua để vận chuyển lên thị trường Tây Nguyên với giá cả ổn định. Không như các loại phương tiện khác, việc nuôi trâu để chở hàng không ô nhiễm, góp phần giữ được màu xanh cho môi trường nông thôn, đồng thời người dân có thêm thu nhập.