Anh nông dân dù “kém mời” nhưng sắn bán vẫn “đắt khách, cũng là điều dễ hiểu. Mùa đông này, thay bằng những món quà vặt được chiên, dán hàng ngày mà có một đĩa sắn luộc thì thú vị biết mấy. Khoanh sắn trắng ngần, thơm nức, chấm với đường trắng thì ngon tuyệt. Vị ngon ấy ta chỉ có thể nếm được ở một loại cây không chê đất nghèo mà vươn lên xanh tốt.
Còn nhớ ngày trước, khi bữa cơm trắng vẫn còn là niềm mơ ước của nhiều gia đình vùng nông thôn ở cả đồng bằng và miền núi. Bởi thế, những thứ như khoai, sắn, ngô, thậm chí đến cả củ chuối, rau muống, củ mài, củ nâu… là nguồn lương thực đỡ đần những khi giáp hạt. Riêng củ sắn lại là một câu chuyện dài.
Củ sắn (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Nhớ lại ngày còn bé, tôi thường theo cha mẹ lên đồi trồng sắn và thu hoạch sắn. Thứ cây thân thẳng ấy có những chiếc lá xanh xòe ra ngộ nghĩnh trở thành nguồn thức ăn của cá. Một thân sắn chặt khúc, được ươm xuống lại nhân lên thành nhiều cây khác. Lá sắn ủ chua nấu với những chú cá nhỏ bắt ở suối cũng trở thành món ăn khá thú vị. Những củ sắn nạc được đem về, bóc hết lớp vỏ đỏ, cắt khúc, bỏ vào nồi luộc với nhúm muối trắng. Đợi đến khi gần chín thì chắt bớt nước chỉ còn đề lại một chút ít nước sền sệt đun đến khi cạn hẳn. Nhờ thế, sắn luộc rất tơi bở và ngon.
Món sắn luộc (ảnh BVP)
Sau này, được thấy những lát sắn trắng tinh phơi khô dưới nắng theo những chiếc xe vận tải chuyển về xuôi tôi mới biết sắn đã được chế biến thành rất nhiều loài thực phẩm. Dần theo thời gian, khi đời sống vật chất được nâng cao, những củ sắn cũng trở nên xa lạ dần với mọi người.
Bữa nay, gặp được món quà sắn tỏa khói thơm phức, những người hàng xóm của tôi ở phố phường này lại tấm tắc khen rồi cùng nhau hoài niệm về một thời ở nơi non cao. Hẳn là giờ đây, trên những sườn đồi kho cằn, những nương sắn vẫn xanh tươi bởi bàn tay gieo trồng của những người nông dân để góp thêm hương vị cho cuộc sống.