Dân Việt

Vì sao Việt Nam chưa thể điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày?

Mai Hương 14/01/2016 07:00 GMT+7
Các nước có thị trường xăng dầu cạnh tranh, việc giá lên xuống theo ngày hoàn toàn bình thường và không gặp khó khăn gì. Song tại Việt Nam, trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm mạnh, các cơ quan chức năng vẫn khẳng định “chưa thể điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày”.

Giá giảm vẫn phải chờ 15 ngày

Giá dầu thô thế giới đã giảm xuống sát về mốc 30 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ giảm khoảng 20% so với đầu năm nay, chỉ nhỉnh hơn mốc 30 USD/thùng chút ít. Dầu thô Brent cũng giảm 83% và có thời điểm giảm 30,66 USD, đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 4.2004.

Như vậy, kể từ đầu năm 2016 đến nay, trên thị trường thế giới, ngày nào giá dầu thô cũng giảm và tính tổng cộng đã sụt giảm tới 20%. Còn tính từ tháng 7.2014 (thời điểm thị trường dầu bắt đầu lao dốc cho tới nay) giá nhiên liệu này đã sụt giảm tổng cộng 70%. Thậm chí, hàng loạt tổ chức tài chính lớn như Barclays, Macquarie, Bank of America Merrill Lynch, Standard Chartered và Societe Generale còn dự báo giá dầu có thể xuống tới 10 USD/thùng.

Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm tới nay chỉ mới điều chỉnh giảm 1 lần do “vướng” quy định 15 ngày mới điều chỉnh giá một lần và mức giảm cũng chỉ được 373 đồng/lít (với xăng RON 92).

img

Để điều chỉnh giá xăng dầu phải chờ 15 ngày

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 13.1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Chúng ta chưa thể điều chỉnh giá xăng dầu tăng giảm theo ngày thời điểm này được. Đó chỉ là mong muốn trong tương lai khi điều hành giá xăng dầu”.

Theo giải thích của ông Hải, điều hành giá xăng dầu hiện nay phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tức “doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, nhân lực… Các cơ quan quản lý Nhà nước phải đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát, nhất là công tác hậu kiểm thì mới theo ngày, còn không vẫn phải tuân thủ quy định 15 ngày” - ông Hải giải thích.

Ông Trần Minh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thì lại cho rằng, điều hành giá xăng dầu theo ngày hoàn toàn có thể thực hiện được hiện nay. “Trước hết các cơ quan chức năng phải sửa nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp khi giá lên xuống theo ngày. Doanh nghiệp chỉ vất vả ở khâu kiểm kê, bán hàng nếu giá thay đổi theo ngày, song khi xã hội và doanh nghiệp quen với giá thay đổi theo ngày thì thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ tốt hơn, cạnh tranh hơn rất nhiều” - ông Hà chia sẻ với Dân Việt ngày 13.1.

Quyền lợi của dân thì dân sẽ giám sát

Thực tế, các chuyên gia kinh tế đã không ít lần lên tiếng rằng, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh, cần rút ngắn thời gian giảm giá xăng dầu trong nước để nền kinh tế và người dân không bị thiệt, thậm chí giá xăng dầu cần điều chỉnh lên xuống theo ngày cho phù hợp với thị trường.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh thì việc chậm giảm giá trong nước ngày nào dân sẽ thiệt ngày đó”. Ông Long khẳng định: Giá xăng dầu thế giới hiện nay tăng hay giảm thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước cũng đã được cộng hai khoản chi phí và lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng, gồm 1.050 đồng/lít và 300 đồng/lít. “Như vậy, ở thời điểm nào thì doanh nghiệp cũng không lo lỗ mà vẫn lãi. Vậy tại sao phải chờ 15 ngày mới giảm giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng?” - ông Long đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia này, giá xăng dầu hiện nay vẫn còn ở trong thế độc quyền, chưa hoàn toàn theo giá thị trường là nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu không thể lên xuống theo ngày, làm người dân, nền kinh tế chưa được hưởng giá xăng dầu thấp theo giá thế giới. “Tôi cho rằng, Nhà nước không nên “ôm” mà cũng không thể “ôm hết” việc giám sát giá xăng dầu. Giá xăng dầu động chạm trực tiếp tới lợi ích người dân thì tự dân sẽ giám sát được giá. Chỉ đơn cử các vụ gian lận, vi phạm về xăng dầu hiện nay đa số là do người dân phản ánh, tố giác mà ra” - ông Long nói.

Để người tiêu dùng có thể hưởng giá xăng dầu lên xuống theo ngày đúng theo thị trường, GS.TS Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa Tài chính, Đại học TP.HCM cho rằng, Nhà nước phải tiến hành tự do hóa thị trường mạnh hơn nữa với ngành xăng dầu. Theo vị chuyên gia này, cú sốc giảm giá xăng dầu hiện nay dường như chỉ thấy mặt tiêu cực là việc ngân sách Nhà nước hụt thu nặng từ xuất khẩu dầu thô, còn việc nền kinh tế và người dân tận dụng và được hưởng lợi thế nào lại chưa thấy rõ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng giá xăng dầu đang “ăn” vào quyền lợi của người tiêu dùng: “Dường như Luật giá và các quy định về kinh doanh xăng dầu không bảo vệ công bằng cho lợi ích của người tiêu dùng. Với giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh lẽ ra phải có chế tài nào đó để rút ngắn thời gian giảm giá bán xăng dầu sớm cho người tiêu dùng, thay vì phải đợi 15 ngày mới giảm giá”.