Dân Việt

IS mở chi nhánh tại Indonesia, Philippines trong 2016

Mẫn Di - The Diplomat 15/01/2016 00:58 GMT+7
Các chuyên gia về khủng bố cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tìm cách thiết lập ít nhất một chân rết tại châu Á vào năm 2016, mục tiêu là ở Philippines và Indonesia.

Đông Nam Á là đang dần thành nơi tuyển mộ quan trọng cho IS, với 500 người Indonesia và hàng chục người Malaysia đang thành lập nhóm riêng mang tên "Katibah Nusantara" (Lực lượng chiến đấu quần đảo Mã Lai).

Đầu tuần vừa rồi, hai phần tử từ nhóm này đã đánh bom liều chết tại Syria và Iraq, khiến 30 người thiệt mạng. Các nhà lãnh đạo và chuyên gia đều được cảnh báo rằng IS có thể có chi nhánh vững chắc hay ít nhất là chân rết ở Đông Nam Á.

img
"Quốc kỳ" của IS

Ở sự kiện Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng IS có thể thiết lập một căn cứ đâu đó trong khu vực, nắm một phần lãnh thổ như ở Syria và Iraq. Chuyên gia về khủng bố Rohan Gunaratna (Singapore) cho rằng IS sẽ tạo chi nhánh tại Đông Nam Á ngay trong năm nay với những hậu quả đáng báo động cho khu vực. 

Gunaratna nhận định Philippines là khu vực đầy tiềm năng đối với IS. Ý kiến này không gây ngạc nhiên. Từ trước tới nay có nhiều nhóm cực đoan tại đây như chi nhánh al-Qaeda Đông Nam Á, Jemaah Islamiyah, Abu Sayyaf ở Basilan. Các nhóm này bầu ra một lãnh đạo chung và thề trung thành với al-Baghdadi - thủ lĩnh tối cao IS.

img
Nhóm vũ trang Abu Sayyaf ở Philippines, từng chặt đầu một con tin Malaysia cuối năm 2015

Gunaratna khẳng định tại Philippines, quần đảo Sulu sẽ bị chiếm trong thời gian ngắn. Hậu quả sẽ hết sức thảm khốc. Nếu IS thành công trong việc thiết lập "nơi an toàn" tại Basilan và móc nối với các hoạt động từ quần đảo Sulu, các trại huấn luyện tân binh sẽ thu hút nhiều người không thể tới Syria, trong đó có các chiến binh đến từ Úc và cả Trung Quốc.

Ngoài ra, IS chắc chắn sẽ chiêu mộ các chuyên gia liên quan tới vận hành tổ chức như chiến thuật, chất nổ… Tiếp theo đó là đánh bom liều chết, chặt đầu và các cuộc tấn công sẽ diễn ra liên tiếp. Để đề phòng điều này, ông kêu gọi quân đội Philippines tăng cường lực lượng tại các địa điểm như Sulu, Basilan và Tawi-Tawi cũng như thu phục người Hồi giáo, tránh để họ bị IS lôi kéo. 

"Nếu các lực lượng vũ trang kiểm soát Sulu, IS khó có thể thành công tại đây cũng như mở rộng hệ thống tại Philippines, Malaysia và xa hơn nữa" ông lập luận. 

img

Xe bọc thép của quân đội Indonesia được huy động để chống vụ tấn công khủng bố ngày 14.1 của IS tại trung tâm thủ đô Jakarta

Một "ứng cử viên" khác được lựa chọn làm chi nhánh là Indonesia. Theo ông nơi này ít có tiềm năng, nhưng đến hiện tại cũng có nhiều người bày tỏ quan ngại.

Ngày 14.1, IS đã tấn công thủ đô Jakarta bằng súng và bom tự sát, khiến nhiều người chết và bị thương. 

Trong tuần, cảnh sát Indonesia cũng vừa thực hiện nhiều chiến dịch truy tìm Aby Wardar, kẻ hậu thuẫn có tiếng của IS. Ngoài ra lực lượng an ninh còn bắt giữ nhiều nghi can và ngăn chặn các kế hoạch tấn công, như vụ bắt giữ một số phiến quân IS vào tháng 12.2015 với sự trợ giúp của FBI, Cảnh sát Liên bang Úc và chính quyền Singapore.