Hàng năm cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, khi cái lạnh ở ngọn núi Cà Đam, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng - nơi được ví là "cổng trời" của Quảng Ngãi rét đến tê người, cũng là lúc mùa thu hoạch cỏ nhung của hàng trăm hộ thiểu số người Kor lại bắt đầu. Cứ chờ đến 8-9 giờ cho sương mờ tan bớt, người dân sinh sống ở các bản làng nơi đây lại vào rừng tìm nhổ cỏ nhung.
Cỏ nhung - một loại cây thuốc quý
Già làng Hồ Văn Viên (62 tuổi, ở Làng Tin, xã Trà Bùi) cho biết, căn cứ vào màu sắc trên lá, cỏ nhung được người dân nơi đây phân thành 2 loại là: cỏ nhung lá đỏ và cỏ nhung lá xanh.
Theo một số tài liệu thì cỏ nhung còn có nhiều tên gọi khác, như: Lan gấm, Kim tuyến liên, mộc sơn thạch tùng... Còn tên khoa học là Anoechilus roxburglihayata, thuộc họ Lan (Orchidaceae).
Cỏ nhung cao khoảng 20 cm, thân tròn có nhiều nách, lá trơn hình trứng hay hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Khi nở cỏ nhung có hoa màu trắng, nhụy hoa có lông.
Do màu lá xanh nên người dân nơi đây gọi tên là cỏ nhung xanh
Và lá có màu đỏ nên gọi là cỏ nhung đỏ
Theo một số tài liệu y học của thế giới thì cỏ nhung là một loại cây thuốc nổi tiếng và vô cùng quý, có tác dụng chữa rất nhiều bệnh: Tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông; chữa viêm khí quản, viêm gan mãn tính, thần kinh suy nhược, chữa ho khan, đau họng, cao huyết áp, suy thận, chữa di tinh, đau lưng, phong thấp...
Ở vùng núi Cà Đam, cỏ nhung hái về được một số thương lái miền xuôi lên mua với giá khoảng 600.000 đồng/kg tươi. Giá bán cỏ nhung khô lên đến hàng chục triệu đồng/kg.
Từ nguồn thu hái cỏ nhung, hàng trăm hộ dân ở núi Cà Đam có thêm tiền để mua sắm, chi tiêu trong ngày Tết
Chị Hồ Thị Diu (34 tuổi, ở Làng Trẫu, xã Trà Bùi) bộc bạch: Số lượng cỏ nhung thu hái được chỉ từ 0,3-0,5 kg/ngày/người, tuy nhiên gặp nơi cỏ nhung mọc nhiều thì được gần cả kg.
Khu vực núi Cà Đam - nơi cỏ nhung mọc và phát triển.
Với số tiền kha khá thu về từ vụ thu hái cỏ nhung, hàng trăm hộ đồng bào thiểu số sống ở khu vực núi Cà Đam có điều kiện mua sắm, chi tiêu trong những ngày Tết.