Dân Việt

Những đứa trẻ “tàng hình” và bộ mặt đô thị

Đức Hoàng 17/01/2016 06:30 GMT+7
Những đứa trẻ lang thang vạ vật ngay trước mắt chúng ta, nhưng không ai "nhìn" thấy chúng.

Vài ngày trước, ngày TAND Hà Nội đã tuyên phạt  Vadim Scott Benderman (người Canada) 4 năm tù giam vì tội ấu dâm. Các nạn nhân của Benderman là những đứa trẻ lang thang người Việt – nhưng người phát hiện và tố giác Benderman, lại cũng là “Tây”.

Vadim Scott Benderman đã xâm hại tình dục 4 đứa trẻ Việt Nam. Trong vòng một năm sống tại Hà Nội, cứ sau nửa đêm, Vadim lại ra bờ hồ Hoàn Kiếm và dụ dỗ các bé trai lang thang tại đây về ngủ trong phòng trọ của mình ở đường Trần Phú và dâm ô với các bé.

Câu chuyện đáng suy ngẫm ở một điểm: những người tìm đến với các bé trai này, lắng nghe câu chuyện của chúng, đưa sự việc ra ánh sáng, tố giác Vadim và đại diện cho các em trước tòa, cũng là “Tây”.

Đó là tổ chức Blue Dragon (Rồng Xanh), một tổ chức do người Úc sáng lập tại Hà Nội chuyên bảo vệ và chăm sóc trẻ em lang thang. Tổ chức Blue Dragon trong những năm qua đã 5 lần đưa các vụ việc tương tự ra ánh sáng, trong đó có 4 vụ họ là những người trực tiếp đại diện cho các nạn nhân ở trước tòa.

Có gì đó không ổn. Bởi những đứa trẻ lang thang, chúng không bị nuôi nhốt trong các “nhà chứa”. Chúng hiển hiện ngay trước mắt chúng ta, ở trung tâm thành phố, vạ vật trên đường. Nhưng tại sao trong khi chúng ta đua nhau phát hiện ra đủ thứ vấn đề của bộ mặt đô thị: một cái cây bị chặt, một cái vỉa hè bị đào bới, một dàn đèn trang trí ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm làm không đẹp, thậm chí than phiền về tình trạng xả rác hay giẫm cây ở chính chỗ đó; thì vấn đề của những đứa trẻ lại phải để một tổ chức nước ngoài phát hiện ra?

Lên website của tổ chức Blue Dragon, đập vào mắt bạn sẽ là một con số giật mình: tổ chức này đã làm giấy tờ cho 7.284 người. Phần lớn trong số này là các trẻ em lang thang không có giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh. Đó là một hành trình rất vất vả, khi thậm chí cha mẹ của những đứa trẻ đường phố này cũng chẳng có giấy tờ. Đội ngũ luật sư của Blue Dragon hẳn đã phải làm việc rất tích cực – bởi con số là bảy nghìn hai trăm tám mươi tư người.

Bảy nghìn hai trăm tám mươi tư người này, trong đó có rất nhiều trẻ em, cũng là những người sống ngay trên hè phố, nơi chúng ta đang than phiền về rác, về cây cối, về những dàn đèn trang trí. Nhưng có vẻ như họ “tàng hình”. Có vẻ như là một tác phẩm trang trí không hợp nhãn ở bờ Hồ thì dễ nhìn thấy hơn, hoặc là đáng quan tâm, đáng lên án và cần giải quyết cấp bách hơn số phận của những đứa trẻ lang thang.

img

Những đứa bé lang thang vạ vật lấy vỉa hè làm giường.

Chuyện có gì không ổn, khi mà chúng ta – những người Việt Nam, bao gồm cả người dân và cơ quan chức năng - đang dồn năng lượng tranh cãi về chuyện cây cối, chuyện đèn đuốc trong khi vấn đề pháp lý của những con người vạ vật ở đó lại là trách nhiệm của những người nước ngoài.

Chuyện có gì không ổn. Sẽ ổn hơn nếu một tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến Việt Nam làm từ thiện, tạo sinh kế, tặng bò hoặc dạy học. Còn nếu những “ông Tây” phải đến Việt Nam để tố giác tội phạm tình dục với trẻ em hoặc phải đi làm giấy khai sinh cho chúng thì không ổn. Chúng có quyền được làm giấy khai sinh một cách hiển nhiên.

Chuyện có gì đó không ổn, bởi nỗ lực của một tổ chức như Blue Dragon chỉ là “muối bỏ bể”. Những đứa trẻ lang thang vẫn đầy các vỉa hè ngõ phố và có thể trở thành đối tượng bị tấn công bất cứ lúc nào.

Nếu những đứa trẻ ấy vẫn tiếp tục “tàng hình” trong mắt chúng ta, nếu cả chính quyền và người dân vẫn một mực luận chiến như thể “bộ mặt đô thị” chỉ là mấy cái đèn, mấy cái cây và mấy cái thùng rác, thì vẫn còn nhiều cơ hội cho những kẻ như Vadim.