Năm nào trang trại hơn 20 sào vừa thanh long ruột đỏ, bầu, cà, ớt... của anh Lâm Văn Chánh ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) cũng cho thu hoạch từ 50 – 70 triệu đồng. Có được trang trại này, ngoài việc được hỗ trợ cây giống, cách thức trồng trọt của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Chánh còn lên mạng tìm hiểu và tham khảo cách chăm sóc cho hoa màu.
Nhờ học hỏi, tham khảo trên internet mà trang trại thanh long ruột đỏ của ông Lâm Văn Chánh (Đức Thạnh) sinh trưởng, phát triển tốt.
Đã hơn hai năm mở trang trại, nhưng chưa năm nào anh Chánh gặp phải cảnh “thất thu”. Bởi “thấy thời tiết chuyển biến thất thường, hay thấy những bệnh lạ chưa từng gặp là tui liền lên mạng tìm hiểu rồi học hỏi cách chữa trị nhanh chóng. Nhờ vậy mà mình chủ động được trong trồng trọt và chăn nuôi, không lo bị mất mùa, sâu bọ phá hoại hay rớt giá”, anh Chánh chia sẻ.
Quả thật, lúc nào trong trang trại của anh cũng có rất nhiều “sản phẩm” vừa mới thu hoạch để cho các tiểu thương đến cân. Hồi trước, anh chỉ trồng đơn thuần những loại rau, củ ngắn ngày. Thế nhưng nhờ học hỏi, tham khảo từ mạng internet, anh đã biết đến giống thanh long ruột đỏ, rồi tìm hiểu điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng xem có phù hợp với mảnh đất này không và tiến hành trồng. Sau hai năm “làm liều” đến nay, 10 sào thanh long ruột đỏ của anh cho thu hoạch liên tục và mang lại hiệu quả đáng mừng cho gia đình.
Ông Phạm Đức Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh cho biết: “Hiện nay, xã đã có điểm truy cập internet công cộng và có rất nhiều nông dân đến đây tìm hiểu, học hỏi những mô hình hay, cách thức phát triển kinh tế.
Từ đó, họ về địa phương vận dụng vào trong sản xuất. Đến nay, có rất nhiều mô hình “mọc” lên từ cách thức học tập tiên tiến này. Không chỉ vậy, điểm truy cập internet công cộng cũng tạo điều kiện cho rất nhiều người đến đây học tập, tìm kiếm thông tin bổ ích”.
Giống anh Chánh, người nông dân trẻ tuổi Võ Thanh Mười (38 tuổi) ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn (Minh Long) cũng đã và đang thành công với mô hình vườn – ao – chuồng của mình. Nuôi cá trê lai, cá diêu hồng đã khó, lại ở vùng núi cao càng gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Mười vẫn mạnh dạn đầu tư xây hồ nuôi cá, rồi tiến tới mở trang trại nuôi hơn 150 con heo.
Hơn 5 năm chăn nuôi, trồng trọt nên anh Mười biết rất rõ những “tiện ích” mà internet mang lại. Anh Mười chia sẻ: “Cần gì cứ lên mạng tìm hiểu là có ngay. Các thông tin buôn bán, giá cả đều tham khảo trên đó chứ ở đây, khó mà biết được các thay đổi về giá cả như ở đồng bằng. Ngoài ra, trong chăn nuôi heo, mình cũng phải tìm hiểu kỹ những vấn đề về xử lý chất thải, thức ăn chăn nuôi nào phù hợp, và trên mạng có rất nhiều thông tin, tha hồ mà tham khảo”.
Với người nông dân “đầu tắt mặt tối” thì internet được xem là một công cụ khá “hữu hiệu”. Bởi khi cần các thông tin, cần biết giá cả thị trường, chỉ cần đến các điểm internet công cộng ở địa phương là đã được thông suốt. Chính vì thế, ngày nay từ đồng bằng đến miền núi, có rất nhiều nông dân đã thoát được cảnh nghèo khó và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê mình. Những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ internet không chỉ giúp họ phát triển kinh tế mà còn hỗ trợ tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Ông Đinh Văn Yếm – Cán bộ VH –XH xã Long Sơn cho biết: “Chúng tôi cũng đã cử cán bộ thường xuyên trực ở điểm truy cập internet công cộng để hướng dẫn các kỹ năng, cũng như thao tác sử dụng máy cho người dân. Hầu hết, mọi người đều rất hào hứng và dần quen với internet. Những cái chưa biết, chưa được học, họ đã tự mày mò và tham khảo. Đã có nhiều nông dân ở đây học tập và phát triển các mô hình kinh tế gia đình dựa vào học hỏi, tiếp thu từ mạng internet”.